Làng bò sữa giữa 'thủ phủ' miền Tây

01/04/2017 07:26 GMT+7

Nhờ nuôi bò sữa, hơn 50 hộ dân ở P.Long Hòa (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc.

Đến làng bò sữa Long Hòa những ngày cuối tháng 3 mới thấy được không khí lao động của bà con. Ngày 2 đợt vắt sữa, chuẩn bị thức ăn, tắm bò… tất cả thành một quy trình rất khoa học, đúng giờ giấc, cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, chuyên nghiệp trong tư duy làm ăn của bà con nông dân sau hơn 15 năm gắn bó với con bò sữa.
Cất được nhà, nuôi con ăn học... nhờ bò sữa
Ông Lê Văn Tư (52 tuổi), một trong những người nuôi bò ở đây, cho biết sau 10 năm gắn bó với con bò sữa, thành quả hôm nay ông có được là đàn bò hơn 20 con, trong đó 12 con đang cho sữa, cùng với mảnh đất rộng hơn 1 công đang là đồng cỏ xanh tốt.


Nếu so với làm vườn hoặc nuôi heo thì nuôi bò khỏe hơn. Chăm sóc sức khỏe định kỳ cho bò đã có thú y lo, bò sữa lại không kén ăn. Từ lúc nuôi bò sữa đến nay cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn

Anh Lý Việt Bắc

Ông Tư kể hơn 10 năm trước ông chạy xe ôm, cuộc sống khá vất vả. Thấy một số hộ trong vùng nuôi bò sữa cho thu nhập khá nên ông bắt đầu học theo. Lúc này nhờ có Chương trình Heifer VN hỗ trợ 2 con bò, ông Tư học thêm kỹ thuật chăm sóc phát triển để có đàn bò như hôm nay. “Con bò đã giúp tôi cất được căn nhà, nuôi các con ăn học, mua thêm đất. Để chủ động nguồn thức ăn, tôi mướn thêm 4 công đất, rồi phá bỏ 1 công vườn để trồng cỏ cho bò ăn. Mỗi ngày từ đàn bò này tôi lời khoảng 1,2 triệu đồng”, ông Tư nói.
Còn anh Lý Việt Bắc (39 tuổi) cho biết gia đình anh có 6 miệng ăn nhưng trước đây chỉ có 2 công đất trồng chanh nên thu nhập bấp bênh, vợ chồng anh phải làm thuê kiếm thêm thu nhập. Năm 2012, anh được Ban chủ nhiệm HTX bò sữa Long Hòa cho mượn con bò giống để nuôi. Qua 5 năm nuôi đến nay anh có đàn bò 5 con, trong đó 3 con đang cho sữa, mỗi ngày anh lời hơn 200.000 đồng từ tiền bán sữa. “Nếu so với làm vườn hoặc nuôi heo thì nuôi bò khỏe hơn. Chăm sóc sức khỏe định kỳ cho bò đã có thú y lo, bò sữa lại không kén ăn. Từ lúc nuôi bò sữa đến nay cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Tôi đã phá bỏ 2 công vườn để trồng cỏ xen dừa có nguồn thực phẩm tươi cho bò”, anh Bắc phấn khởi.
Còn rất nhiều nhà vườn tại Long Hòa, những hộ không đất sản xuất khá lên nhờ con bò sữa, có tiền lo cho con ăn học… Một số hộ đã chủ động phá bỏ vườn tạp để trồng cỏ nhằm chủ động nguồn thức ăn cho bò. Theo nhiều nông dân ở Long Hòa, bò sữa nuôi không khó, chỉ cần đảm bảo đủ thức ăn, phòng chống một số bệnh về da, móng và tiêu hóa là sẽ phát triển bình thường. Sản phẩm sữa, ngoài tiêu thụ ở các cơ sở đóng chai nhỏ lẻ, còn được bán cho nhà máy sữa tại Cần Thơ. Ông Võ Thanh Cần, Giám đốc HTX bò sữa Long Hòa, cho biết đến nay trên địa bàn phường đã có hơn 50 hộ nuôi bò sữa, hộ ít thì 5 con, nhiều lên đến 60 con. Tất cả những hộ nuôi bò đều có cuộc sống ổn định, nhiều hộ xây được nhà tường khang trang.
Hợp tác để làm giàu
Trong số những người nuôi bò sữa khá giả ở Long Hòa phải kể đến ông Võ Thanh Cần (67 tuổi). Ông không chỉ là người tiên phong trong phong trào đưa vật nuôi mới này về địa phương mà còn là mô hình mẫu để bà con đến tham quan học tập. Ông Cần kể khoảng năm 1999, cuộc sống gia đình ông chủ yếu nhờ vào mảnh vườn tạp. Qua báo chí, thấy nhiều người làm giàu bằng việc nuôi bò sữa nên ông “liều” lấy tất cả tiền dành dụm mua 2 con bò giống về nuôi. Sau đó, gia đình ông tiếp tục dành dụm đầu tư mua mỗi lần một vài con bò giống để tăng đàn. Đến nay, ông Cần có hơn 30 con bò cho sữa. “Dù giá sữa không ổn định, nhưng bình quân mỗi con lời hơn 100.000 đồng/ngày”, ông Cần nói.
Cái lợi lớn trong cái “liều” của ông Cần không chỉ ở thay đổi cuộc sống gia đình ông mà còn mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Sau thành công của ông Cần, nhiều hộ dân Long Hòa đã đến học hỏi kinh nghiệm để nuôi bò sữa và dần hình thành làng bò sữa với quy mô hàng trăm con bò sữa giữa “thủ phủ” miền Tây. Để việc chăn nuôi ngày một ổn định hơn, năm 2004, người dân nơi đây bắt đầu hợp tác làm ăn bằng cách thành lập HTX Chăn nuôi bò sữa Long Hòa, do ông Cần làm giám đốc. HTX nhanh chóng trở thành điển hình của mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả tại địa phương. Từ 10 xã viên ban đầu, đến nay HTX có 29 xã viên, tổng đàn bò hơn 300 con. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi mà các xã viên đều có thu nhập khá. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn tận dụng phân bò để ủ bón cho vườn cây ăn trái hoặc nuôi trùn quế giúp tăng thu nhập. Đặc biệt, nhiều hộ chăn nuôi bò còn xây dựng hệ thống biogas cung cấp chất đốt vừa giảm chi phí sinh hoạt, vừa tránh ô nhiễm môi trường. “Việc thành lập HTX giúp bà con học hỏi, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật. HTX còn tổ chức các nguồn quỹ để kịp thời hỗ trợ xã viên khi gặp khó khăn về vốn”, ông Cần nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.