Lan tỏa tình yêu đọc sách đến người trẻ

Lê Thanh
Lê Thanh
28/09/2019 16:13 GMT+7

Có nhiều ý tưởng, dự án 'trình làng' tại tọa đàm ' Xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ ' nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp yêu thích đọc sách trong thanh thiếu nhi, cũng như người trẻ nói chung.

Tọa đàm diễn ra vào ngày 28.9, dưới sự chủ trì của Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Vương Thanh Liễu và tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sách TP.HCM.

Tủ sách thông minh

Đó là ý tưởng được nhóm sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trình bày tại tọa đàm và được nhiều người quan tâm.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án “ACA-Tủ sách thông minh”, Nghiêm Quỳnh Anh, sinh viên năm 2 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Đây là một trong những giải pháp hứa hẹn mang tính đột phá nhằm giúp mọi người, đặc biệt là người trẻ yêu thích đọc sách. ACA là chiếc tủ sách với kích cỡ như một chiếc tủ cứu thương treo tường chứa các flie ebook để người dùng có thể tải về miễn phí ngay trên chiếc Smartphone (điện thoại thông minh) của mình thông qua cổng USB hay bluetooth”.

Nghiêm Quỳnh Anh và Đào Công Khanh, cùng là sinh viên năm 2 của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ về dự án “ACA-Tủ sách thông minh”

Lê Thanh

Theo Đào Công Khanh, thành viên của nhóm dự án “ACA-Tủ sách thông minh”, khi bạn mở tủ sẽ thấy bên trong một màn hình tương tác hiển thị các tựa sách, người dùng chỉ cần nhấn vào biểu tượng cuốn sách mình muốn đọc, chọn số chương trình tải về (mỗi cuốn sách sẽ được chia thành nhiều chương nhằm tránh khi bạn tải về quá nhiều sẽ nặng máy). Bạn hãy chờ đến khi file tải xong là có thể thưởng thức những trang sách mình yêu thích ngay trên chiếc Smartphone của mình.
“ACA sẽ được đóng tại các trạm dừng xe buýt, nơi có lưu lượng lớn học sinh và sinh viên tiếp cận. Và đây là dự án hoàn toàn có thể triển khai để áp dụng ngay tại TP.HCM cũng như trên phạm vị cả nước. Bởi vì nền tảng công nghệ của ACA rất đơn giản. Chúng ta có thể thấy rất nhiều bảng tương tác như bảng hướng dẫn tìm xe buýt, tìm địa điểm rất phổ biến tại các khu phố đi bộ”, Khanh nói.

Dự án trao đổi sách

Một ý tưởng cũng khá hay được giới thiệu tại buổi tọa đàm này đó là dự án "Trao đổi sách Book Exchange”, của nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở TP.HCM.
Sở dĩ nhóm thực hiện dự án này là vì: “Xuất phát từ thực trạng hầu hết mọi người mua sách, đọc xong và cất chúng trên giá sách mãi mãi. Trong khi đó, có những bạn trẻ rất yêu sách nhưng gặp phải vấn đề về tài chính, có nhu cầu tìm đọc những cuốn sách đã lâu nhưng không còn xuất bản nữa... Từ thực tế đó, nhóm chúng tôi thực hiện dự án này để giá trị, kiến thức trong từng cuốn sách được lan tỏa đến nhiều người trong xã hội”, Nguyễn Thị Ngọc Hân, sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở TP.HCM, thành viên của nhóm nói về ý nghĩa của dự án.

Nguyễn Thị Ngọc Hân, sinh viên năm 2 của Trường ĐH Ngoại thương - cơ sở TP.HCM, nói về dự án “Trao đổi sách Book Exchange”

Lê Thanh

Chia sẻ về quy trình trao đổi sách của dự án này, Nguyễn Thị Ngọc Hân cho biết: “Khi bạn trẻ có những cuốn sách không đọc nữa, hoặc muốn chia sẻ những cuốn sách hay đến những người khác, có thể liên hệ với nhóm để góp sách cũ của mình. Nhóm sẽ tính điểm từng quyển sách cho bạn, sau đó tích điểm váo một phiếu điểm. Trên phiếu điểm sẽ có ID và password của tài khoản đổi sách, bạn sẽ dùng tài khoản này để kiểm tra, quản lý số điểm hiện có của mình. Bạn cũng có thể dùng thẻ điểm đó để đổi lấy sách mới từ kho sách của Book Exchange.

Đọc sách cùng trẻ

Đó là dự án của chị Châu Thị Cẩm Nhi (Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhằm gieo niềm đam mê đọc sách đến các em học sinh ở bậc tiểu học. “Dự án được thiết kế nhằm giúp học sinh hình thành văn hóa đọc giữa sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet bằng những quyển sách hay và những hoạt động trải nghiệm xung quanh chủ đề mỗi tháng”, chị Cẩm Nhi cho biết.

Chị Châu Thị Cẩm Nhi (Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói về dự án "Đọc sách cùng trẻ"

Lê Thanh

Theo chị Cẩm Nhi, dự án được thực hiện mỗi tháng một lần với các chủ đề khác nhau như: khám phá bản thân, tôn sư trọng đạo, hào hùng sử Việt, biển đảo quê hương, gia đình, bạn bè... Ở mỗi lần tổ chức, ban điều hành dự án sẽ chọn ra những quyển sách hay và ngữ liệu phù hợp, từ đó bắt đầu tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trên ngữ liệu đã chọn. Các bước lên lớp của dự án như sau: chia nhóm, giới thiệu sách, các hoạt động trài nghiệm, chia sẻ cảm nhận của học sinh. “Đây là sự lồng ghép, kết hợp giữa các hoạt động trải nghiệm với việc đọc sách rất thú vị. Qua đó, tạo sự hứng thú cho các em học sinh khi đọc sách, làm cho giờ đọc sách của các em trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, góp phần hình thành và xây dựng tình yêu đọc sách cho học sinh”, chị Cẩm Nhi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.