Lan tỏa nghị lực sống: Trải nghiệm và cảm phục

18/09/2020 07:19 GMT+7

Khi đến thăm các chốt biên phòng, lòng tôi chợt dâng lên một sự thán phục kỳ lạ, có những chốt biên phòng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy sự thiếu thốn của họ.

Bình Phước có 16 đồn biên phòng, 62 chốt và 11 chốt lưu động. Tất cả đều nằm trong rừng sâu hẻo lánh. Tôi đã đến được hơn 30 chốt để thăm các chiến sĩ biên phòng. Tôi đến đó chỉ mang theo món quà tinh thần là tác phẩm của mình viết và mang theo một trái tim đầy cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của họ.
Ngày xưa trong ký ức của mình, tôi hay ngồi xem những bộ phim tài liệu hoặc những phim truyện kể về cuộc chiến tranh khốc liệt. Những cảnh tượng về những người lính trẻ trong rừng sâu thăm thẳm, không điện không nước và sống trong các lán trại được lợp bằng lá rừng. Những bữa ăn vội vã để chuẩn bị cho ca trực. Những đêm mưa gió bão bùng không thể chợp mắt vì lo sợ sập lán...
Rồi thi thoảng mới có đoàn văn công nào đó đến thăm và phục vụ văn nghệ cho đời sống tinh thần của anh em chiến sĩ.
Tôi xem và vô cùng xúc động. Nhưng rồi tự nghĩ giá một ngày nào đó mình cũng được như mấy cô văn công trong thời chiến tranh ấy nhỉ. Thật sự đây chỉ là ước mơ trẻ con của một đứa bé vốn mơ mộng và giàu trí tưởng tượng mà thôi. Để rồi thời gian trôi qua và những suy nghĩ khác đã xâm chiếm lấy trí tưởng tượng của tôi. Tôi cũng quên luôn hình ảnh những cô văn công thời chiến mà mình đã từng xem trên ti vi thời thơ ấu.
Nhưng rồi khi đại dịch ập đến, tôi nhận được tin nhắn của anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước, muốn mời tôi về giao lưu với các bạn chiến sĩ đang phục vụ trong quân ngũ. Anh bảo với tôi rằng: "Các chiến sĩ trẻ rất cần được tiếp lửa em ạ". Ban đầu tôi được mời đến giao lưu tại Tiểu đoàn 208 nằm trên huyện Lộc Ninh, kế tiếp là giao lưu tại Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động tỉnh Bình Phước. Hai chương trình giao lưu này đã tạo ra sự lan tỏa tại địa bàn tỉnh Bình Phước, rất nhiều bạn trẻ đã được tiếp lửa tinh thần từ chương trình.
Tôi có thêm cơ hội hiểu sâu hơn những gian khổ thiếu thốn của người lính, khi chính mình được ăn ngủ trong môi trường quân đội chuyên nghiệp. Để rồi giữa những ngày dịch bệnh hoành hành này, dường như trái tim tôi đã dành trọn vẹn tình cảm cho các chiến sĩ biên giới. Bởi họ đang ngày đêm canh gác nơi biên cương Tổ quốc.
Lan tỏa nghị lực sống: Trải nghiệm và cảm phục1

Tác giả Trần Trà My

Cuộc sống của người chiến sĩ vốn đã vô cùng khó khăn thiếu thốn và cuộc sống của những chiến sĩ biên phòng lại càng khó khăn hơn. Thậm chí những thứ tối thiểu như điện nước, sóng wifi, sóng điện thoại đều không thể tới được rừng sâu thăm thẳm. Đó là chưa kể điều kiện sinh hoạt như nhà vệ sinh, nhà bếp, chỗ ăn ngủ, đồ thực phẩm tươi sống đều rất hạn chế. Và ở đó còn có những câu chuyện cảm động như có những bạn trẻ phải hoãn lại chuyện cưới vợ để tập trung lo cho nhiệm vụ chống dịch, có những người lính trẻ lần đầu tiên được làm bố nhưng vẫn không thể về ôm con vào lòng. Và ở đó có những người lính biên phòng mới 19, 20 tuổi nhưng hơn nửa năm rồi không được về thăm gia đình, vì phải ở lại các chốt biên phòng canh gác.
Quả thật giữa thời 4.0 này khi một người trẻ như tôi chỉ cần một giờ không có sóng wifi, không có sóng điện thoại là tôi đã chịu không nổi. Thế nhưng ở các vùng biên giới các chiến sĩ phải sống như vậy. Họ phải bám vào các chốt biên phòng để bảo vệ quê hương.
Khi đến thăm các chốt biên phòng, lòng tôi chợt dâng lên một sự thán phục kỳ lạ, có những chốt biên phòng tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy sự thiếu thốn của họ. Tôi đến thăm các chiến sĩ trẻ bằng những lời hỏi han động viên. Bất giác hình ảnh cô văn công thời chiến tôi đã từng xem trên ti vi cứ hiện lên trong tâm trí của mình. Tôi thấy mình cũng có điểm tương đồng như các cô văn công thời chiến ấy. Duy chỉ có khác một điểm: Các cô văn công động viên tinh thần chiến sĩ bằng lời ca tiếng hát. Còn tôi động viên tinh thần họ bằng những con chữ tử tế giàu tinh thần yêu quê hương đất nước.
Tác giả của bài viết này là Trần Trà My (34 tuổi, quê Quảng Trị), từng bị liệt toàn thân, không nói được, nhưng chị vẫn cố gắng, nỗ lực tập luyện, để cho ra đời 4 cuốn sách chỉ với 1 ngón tay gõ bàn phím máy tính.
4 cuốn sách gồm: Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân, Yêu trên từng ngón tay và Tin vào điều tử tế.
Các cuốn sách của Trần Trà My viết về những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng chị đã đến nhiều nơi trong nước, tới các doanh trại quân đội, trường học, trại trẻ mồ côi, trại giam, trại cai nghiện, gặp gỡ hàng trăm người có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời chị để có những câu chuyện, xúc cảm đời thực lan tỏa cho bạn đọc. Chị cũng được mời đi nhiều nơi để giao lưu trò chuyện, qua đó truyền cảm hứng về khát vọng sống đẹp đến mọi người, nhất là giới trẻ, những người lầm lỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.