Lan tỏa nếp sống 'ân tình'

21/05/2022 06:22 GMT+7

Ân tình , cuốn sách tập hợp các bài viết trong 14 năm tu học của sư thầy Thích Chân Pháp Nguyện - thị giả thân cận của Sư Ông Làng Mai, vừa được in lần thứ 2 chỉ sau nửa tháng phát hành.

Tác giả Thích Chân Pháp Nguyện chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt sách tối 19.5 tại Khu du lịch Văn Thánh, TP.HCM (nơi 15 năm trước thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi trò chuyện với doanh nhân chủ đề Thở và cười): “Từ khi Sư Ông bệnh, khoảng cuối năm 2014, tôi thấy rằng, là một người thị giả, mình có phúc duyên ở bên cạnh thầy suốt 6 năm liền, có cơ hội tiếp nhận giáo phái, từ khẩu giáo, ý giáo cũng như thân giáo của thầy; tôi thấy mình có trách nhiệm đối với một bậc thầy đầy khả kính, cũng như với tam bảo. Trách nhiệm đó là chia sẻ những gì mình đã học hỏi, trải nghiệm, những khó khăn và hạnh phúc, những hoa trái mà mình đã gặt hái trên con đường tu học và phụng sự… với mọi người”.

Thầy Thích Chân Pháp Nguyện trong buổi giao lưu ra mắt sách Ân tình

T.A

Theo tác giả: “Trong những năm làm thị giả Sư Ông, những gì Sư Ông dạy đều được tôi viết trong nhật ký, nên khi được khích lệ, tôi bắt đầu sắp xếp lại thứ tự và thấy cần phải viết thêm vài chương nữa cho cuốn sách đầy đủ hơn”. Những chương được thầy Thích Chân Pháp Nguyện bổ túc là viết dành tặng cho các bạn trẻ, bởi “tôi biết suốt cả cuộc đời của Sư Ông phụng sự chúng sinh, ai Sư Ông cũng độ, cũng thương, đặc biệt thương nhất là những người trẻ; vì các bạn là tương lai của đất nước, của đạo pháp… Thành ra mỗi lần nhớ tới thầy, thương thầy, tôi lại nghĩ tới lý tưởng của thầy, thấy rất rõ lý tưởng đó đang sống trong mình. Đó là lý tưởng của thương yêu”.

Nhắc tới người trẻ, tác giả bảo rằng hình ảnh hiện lên chính là mặt trăng và thác nước. Nếu mặt trăng tượng trưng cho sự thanh mát, hồn nhiên, trong trẻo thì thác nước biểu hiện của sự vội vàng, vội vã của người trẻ. “Cuộc đời của người trẻ tôi đã đi qua và đã sống như một thác nước; cho đến khi gặp được pháp môn Làng Mai, gặp được Sư Ông Làng Mai, thác nước đó mới bắt đầu biết chảy chậm lại, như một dòng sông…”, tác giả chia sẻ.

“Có 2 điều tôi muốn gửi gắm đến người trẻ, là sống chậm lại để thưởng thức và trân quý những gì mình đang có; và thứ hai, là làm thế nào để có thể quân bình giữa chơi - làm - tu - học trong cuộc sống thường nhật”, ông nói.

Trong cuốn sách này, người đọc cũng sẽ tìm thấy những ân tình với đất mẹ Bạc Liêu, quê hương Việt Nam và câu chuyện về những chặng đường theo đuổi học vấn, vào đời, lập thân của tác giả - một thanh niên học đỗ đạt cao rồi trở thành một chuyên viên tài chính thành công trên đất Mỹ (tốt nghiệp Trường ĐH Washington năm 1999), những trải nghiệm của cuộc sống sung túc nhưng lúc nào cũng thấy thiếu vắng một điều gì đó…

Từ ý nghĩa trong tình thương chứa đựng lòng biết ơn, ân tình mà những trang viết của thầy Thích Chân Pháp Nguyện thể hiện, nuôi dưỡng và lan tỏa thật bình dị, gần gũi mà thắm đượm tình thầy trò, tình cha mẹ, tình huynh đệ, tình bạn bè, tình tăng thân... Ân tình cũng mang lại cho người đọc hiểu biết về sinh hoạt và hoạt động hoằng pháp của Làng Mai, giúp ta hình dung về những ảnh hưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh tới học trò, tới Làng Mai và toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.