Làn sóng quan chức Triều Tiên đào tẩu

27/08/2016 10:14 GMT+7

Trong lúc vụ Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh đào tẩu vẫn còn gây xôn xao thì lại rộ tin có thêm quan chức cấp cao nước này ở Nga bỏ trốn.

Ngày 28.6, Đài KBS dẫn nhiều nguồn tin Hàn Quốc và Nga xác nhận một quan chức phụ trách thương mại tại Tổng lãnh sự CHDCND Triều Tiên ở TP.Vladivostok (Nga) đã cùng gia đình đào tẩu hồi tháng trước.
Vị quan chức chưa rõ danh tính được cho là có chức vụ cao hơn cả Bí thư thứ 3 Kim Cheol-sung của Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow trốn sang Hàn Quốc trong tháng 7 và đang được Seoul bảo vệ. Các nguồn tin cho KBS hay một đội điều tra từ Cục An ninh và Bộ Thương mại Triều Tiên đã đến Vladivostok. Hiện chưa rõ ông này đã đến Hàn Quốc hoặc quốc gia nào khác.
Theo KBS, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành cuộc tổng kiểm tra tất cả văn phòng đại diện thương mại ở Nga lẫn Trung Quốc, đồng thời thay thế các quan chức tại Vladivostok, theo KBS.
Nghi vấn biệt đội ám sát
Thông tin trên xuất hiện một tuần sau khi chính phủ Hàn Quốc xác nhận Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho cùng gia đình trốn sang miền Nam. Đây là một trong những quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đào tẩu từ trước tới nay. Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee hôm qua tuyên bố tình trạng hàng loạt quan chức Triều Tiên đào tẩu gần đây cho thấy “bất an ngày càng gia tăng tại miền Bắc”. “Chúng tôi quan ngại Triều Tiên có thể có thêm hành động khiêu khích khi nước này tiến hành các bước đẩy mạnh ngăn chặn nạn đào tẩu”, Yonhap dẫn lời ông Jeong nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới chức Seoul cũng cảnh báo lãnh đạo Kim Jong-un vừa điều một số đội biệt kích giả trang đến Hàn Quốc và những nước khác để ám sát người đào tẩu, theo tờ Asahi Shimbun. Trước đây, Bình Nhưỡng từng tìm cách tiêu diệt người đào tẩu. Năm 1997, một người cháu vợ của nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã bị giết sau khi trốn sang Hàn Quốc. Đến năm 2010, một nhóm người Triều Tiên giả làm người đào tẩu đã bị bắt với cáo buộc âm mưu ám sát ông Hwang Jang-yop, một nhân vật từng giữ vị trí quan trọng trong đảng Lao động Triều Tiên, tại Seoul. Khi đó, nhóm này được cho là hành động theo lệnh từ Tổng cục Trinh sát Triều Tiên.
Cũng theo Asahi Shimbun, ông Kim Jong-un còn ra lệnh ám sát hoặc bắt cóc người Hàn Quốc để trả đũa, sau khi Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul dụ dỗ Phó đại sứ Thae và một số lao động Triều Tiên đào tẩu.
Mặt khác, giới hữu trách Triều Tiên vừa triển khai nhiều đặc vụ an ninh ra nước ngoài để giám sát quan chức, nhân viên kinh doanh và người lao động, đồng thời ra lệnh hành quyết những người thất trách, không ngăn chặn được các vụ đào tẩu gần đây, tờ The Korea Times dẫn nguồn từ Bình Nhưỡng loan tin. Hàng trăm quan chức an ninh và thương mại cũng đã được điều động đến khu vực biên giới với Trung Quốc để điều tra toàn diện hoạt động tại đây. Công tác kiểm soát các nhà ngoại giao và lao động được gửi ra nước ngoài cũng được siết chặt. Các nguồn tin tiết lộ với truyền thông Hàn Quốc rằng nhiều thành viên gia đình của các nhà ngoại giao và lao động Triều Tiên ở nước ngoài đã được triệu hồi về nước. Do những trường hợp đào tẩu gần đây, nhiều quan chức dẫn cả gia đình bỏ trốn, nên trong thời gian tới Bình Nhưỡng có thể sẽ không cho phép dẫn theo gia đình khi ra nước ngoài công tác.
Ưu đãi tại Seoul
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế, tại nước này hiện có tổng cộng khoảng 27.000 người đào tẩu Triều Tiên. Trong đó, nhiều người gặp khó khăn khi tìm việc làm và hòa nhập vào xã hội. Ngược lại, những nhân vật cấp cao như Phó đại sứ Thae có thể có cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Một số người đào tẩu nhận định với Reuters rằng ông Thae có thể sẽ được bảo vệ suốt ngày đêm và có nguồn thu nhập cao, ổn định khi làm việc tại một viện nghiên cứu do giới tình báo Hàn Quốc điều hành.
Những người đào tẩu cấp cao được Hàn Quốc xem là nguồn cung cấp thông tin quý giá, có thể tiết lộ những bí mật của Triều Tiên. Reuters chỉ ra sau khi trốn xuống miền Nam vào năm 1995, đại tá quân đội Triều Tiên Choi Ju-hwal được 4 cảnh sát vũ trang bảo vệ 24/24 giờ và được nhận vào làm chuyên viên nghiên cứu tại Viên Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia (INSS) thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc trong giai đoạn 1997 - 2012. Hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Người đào tẩu Triều Tiên và vẫn được cảnh sát Hàn Quốc bảo vệ với mức độ thấp hơn. “Rất có khả năng ông Thae cũng sẽ được cung cấp một công việc tại INSS”, ông Choi nhận định với Reuters.
Quân đội Triều Tiên nâng báo động lên mức cao nhất
Ngày 26.8, Yonhap loan tin từ tuần này, quân đội CHDCND Triều Tiên đã ra lệnh nâng báo động lên mức cao nhất nhằm ứng phó cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ đang diễn ra. Hôm 22.8, Triều Tiên dọa sẽ tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu để đáp trả cuộc tập trận mà Bình Nhưỡng cho là diễn tập xâm lược miền Bắc. Một số nguồn tin còn khẳng định với Yonhap rằng quân đội Triều Tiên cũng đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự ở những vùng biển tiền tiêu. Các bên liên quan chưa có phản ứng về những thông tin trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.