Làn sóng phá sản đe dọa kinh tế Mỹ

Khánh An
Khánh An
18/05/2023 07:14 GMT+7

Các tập đoàn lớn liên tiếp nộp đơn xin phá sản tại Mỹ, trong khi giới phân tích cho rằng đó chỉ mới là "màn dạo đầu".

Hãng Reuters ngày 17.5 đưa tin Tập đoàn Vice Media (trụ sở tại bang New York, Mỹ) vừa được tòa án cho phép vay 5 triệu USD (117,2 tỉ đồng) nhằm cấp vốn cho quá trình phá sản. Vice Media cho biết số tiền này sẽ được dùng để trả cho các cộng tác viên và chuẩn bị cho việc bán tập đoàn. Tòa án đang cân nhắc cho Vice Media vay thêm 5 triệu USD trong tháng 6. Việc được vay cũng giúp tập đoàn giải tỏa 20 triệu USD trong tài khoản ngân hàng đang bị phong tỏa.

Vice Media nộp đơn xin phá sản ngày 15.5 và nằm trong số 7 công ty lớn nộp đơn xin phá sản tại Mỹ trong vòng 48 giờ. Giới chuyên môn cho rằng điều này chỉ mới là sự khởi đầu, phản ánh mức độ rủi ro của các công ty mắc nợ cao khi lãi suất tăng.

Làn sóng phá sản đe dọa kinh tế Mỹ  - Ảnh 1.

Vice Media từng rất thành công trong lĩnh vực truyền thông

The Muse

Lộ diện các doanh nghiệp yếu

Theo trang Insider, Vice Media từng là "ngôi sao" của lĩnh vực truyền thông với giá trị gần 6 tỉ USD, có những loạt phim tài liệu nổi tiếng trên HBO và lưu lượng truy cập web tăng vọt vào năm 2017. Tuy nhiên, tập đoàn hiện gánh khoản nợ lên đến 1 tỉ USD và buộc phải nộp đơn xin phá sản do vướng phải nhiều vấn đề về quản lý và kinh doanh. Thống kê của Bloomberg ngày 15.5 đối với các doanh nghiệp nợ 50 triệu USD trở lên cho thấy 6 doanh nghiệp khác cũng nộp đơn xin phá sản trong vòng 48 giờ, giai đoạn phá sản dồn dập nhất kể từ năm 2008.

Lý do khá rõ ràng là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mức lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, khiến những doanh nghiệp yếu kém trên thị trường lộ diện. Việc thắt chặt tín dụng đang lan nhanh và làm tê liệt các công ty có những khoản nợ lớn chồng chất. Fed bắt đầu mạnh tay tăng lãi suất từ tháng 3.2022, và nâng lãi suất cơ bản lên mức 5 - 5,25% tại cuộc họp ngày 3.5 của Ủy ban Thị trường mở liên bang.

Xu hướng tiếp diễn

Những vụ phá sản thời gian qua cho thấy một vấn đề chung là các khoản nợ lớn mà những tập đoàn gánh chịu. Việc nộp đơn phá sản không nhất thiết là "hồi chuông báo tử" của 1 công ty, nhưng có xu hướng tạo cơ hội cho các công ty cơ cấu lại khoản nợ của họ và đưa ra bảng cân đối kế toán tốt hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng đơn xin phá sản cho thấy tình trạng căng thẳng kinh tế ngày càng tăng.

Số đơn xin phá sản tăng hơn 216%

Theo trang The Street, dữ liệu mới nhất của S&P Global cho thấy tình trạng phá sản đang gia tăng một cách đáng lo ngại tại Mỹ. Số đơn xin phá sản có giảm trong tháng 4 so với tháng 3, dù tính chung 4 tháng đầu năm thì số đơn xin phá sản cao nhất kể từ năm 2010. Dữ liệu cho thấy có 54 doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản vào tháng 4, so với 70 doanh nghiệp vào tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm, đã có 236 doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, tăng hơn 216% so với con số 109 doanh nghiệp vào cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của Moody's, tập đoàn chuyên xếp hạng tín dụng có trụ sở chính ở Mỹ, cho thấy xu hướng phá sản chỉ mới bắt đầu. Dự kiến tỷ lệ vỡ nợ của các công ty có nợ cấp độ đầu cơ sẽ tăng lên 4,9% vào tháng 3.2024, so với tỷ lệ 2,9% vào cuối quý 1 năm nay và vượt mức trung bình dài hạn là 4,1%. Dự báo của một tập đoàn khác ở Mỹ là S&P Global cũng cho thấy tỷ lệ vỡ nợ vào cuối năm nay của các công ty có mức xếp hạng tín dụng thấp là 4%, tăng hơn gấp đôi con số 1,7% vào cuối năm 2022.

Trên cơ sở từng ngành cụ thể, lĩnh vực tài chính đang gặp khó khăn sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley ngày 10.3, kéo theo một số ngân hàng khác cũng phá sản. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ như Bed Bath & Beyond và David's Bridal cũng nộp đơn xin phá sản trong vài tuần qua. Bên cạnh Vice Media, 6 công ty khác xin phá sản trong vòng 48 giờ tính đến ngày 15.5 gồm các tập đoàn Envision Healthcare chuyên về nhân sự y tế, Monitronics International (an ninh gia đình), Venator Materials (sản xuất hóa chất), Cox Operating (sản xuất dầu), Kiddle-Fenwal (chống cháy) và Athenex (công nghệ sinh học). Theo giới phân tích, không lĩnh vực nào an toàn nên nếu công ty nào tích lũy nợ càng nhiều vào thời kỳ lãi suất thấp thì càng có nguy cơ bị ảnh hưởng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.