Lần sau hãy đội 2 cái mũ bảo hiểm!

17/01/2022 15:48 GMT+7

“Lần sau hãy đội 2 cái mũ bảo hiểm!” - giọng hờn dỗi của Anh Phương với cô bạn học bên cạnh khiến tôi quay đi cố giấu nụ cười. Tôi nhủ thầm, mình phải nghiêm trước mặt học sinh để còn uốn nắn các con vào điều hay, việc tốt.

Nhận chủ nhiệm bọn trẻ lớp 8 đang tuổi “ẩm ương”, niềm vui bạt ngàn mà áp lực cũng chẳng ít ỏi gì. May mắn là lớp tập trung hầu hết học sinh khá giỏi và chăm ngoan nên việc dạy dỗ, trui rèn các con vào nề nếp học tập, rèn luyện cũng đỡ vất vả phần nào.

Bọn trẻ rất ý thức về việc chấp hành nội quy trường lớp, biết yêu thương và chia sẻ với bạn bè. Đặc biệt là tinh thần phê và tự phê trong tập thể đã được vun bồi từ lớp dưới nên tôi rất yên tâm bởi các con sẽ tự giám sát lẫn nhau mỗi khi bạn bè vô tình lẫn cố ý mắc lỗi rồi thẳng thắn góp ý cho nhau trong các tiết sinh hoạt lớp.

Văn hóa giao thông cần được nhà trường chú trọng chăm bón và “quả ngọt” về một thế hệ trẻ hành xử tử tế, văn minh sẽ thu hoạch rực rỡ trong tương lai gần

AIP

Dẫu là thế, tôi vẫn trăn trở không ít khi bắt gặp những cái mũ bảo hiểm treo tòn ten trên xe đạp điện chứ không chủ động đội gọn gàng trên đầu bọn trẻ. Bắt đầu năm học, cả học sinh lẫn phụ huynh đều đã ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có quy định về việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện đến trường.

Tôi và phụ huynh của lớp chủ nhiệm đã trao đổi, nhắn nhủ, đồng thuận nhắc nhở bọn trẻ nghiêm túc chấp hành việc đội mũ bảo hiểm. Những chiếc xe đạp điện của học sinh lớp tôi rẽ vào cổng trường luôn chỉn chu mũ bảo hiểm trên đầu và tôi cứ đinh ninh mọi chuyện vẫn ổn định và nề nếp như thế. Thế rồi mấy giờ sinh hoạt lớp đầu tiên diễn ra, bọn trẻ bắt đầu mách cô giáo về bạn A, bạn B phóng vút xe mà không có mũ bảo hiểm.

Nhiều lý do được đưa ra để bao biện cho lỗi sai của học trò, nào là “cháu chạy vù đi mua đồ giúp ba mẹ nên không kịp nhớ đội mũ bảo hiểm”, nào là “chị cháu lấy mũ đi đâu đó mà đã tới giờ học thêm nên cháu chạy đại”, nào là “chạy loanh quanh một tí trong xóm làng cũng phải đội mũ hở cô?”...

Tôi nghiêm giọng gợi nhắc các con về bản cam kết giao thông đã ký, về những quy ước văn hóa học đường và tư cách người đội viên. Tôi nhấn mạnh việc đội mũ bảo hiểm không phải để đối phó với thầy cô và nội quy trường lớp mà cứ hễ đến trường mới tuân thủ. Cái mũ bảo hiểm bé nhỏ ấy sẽ giúp các con bảo vệ mình nếu chẳng may va quẹt giao thông.

Vừa nghiêm khắc uốn nắn vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ, bọn trẻ dần nề nếp hơn khi tham gia giao thông. Chỉ còn lại cô bé cá tính Anh Phương. Hôm ấy là lần thứ ba con lại bị các bạn phát hiện lỗi không đội mũ bảo hiểm chạy vù vù trên xe máy lướt qua trước cổng trường vào chiều muộn.

Sau một hồi bị phê bình, con ấm ức bảo nhiều bạn lớp khác không đội mũ bảo hiểm có làm sao đâu mà riêng lớp mình lại khắt khe như thế. Rồi con quay sang bạn bên cạnh hờn dỗi bảo: “Lần sau hãy đội 2 cái mũ bảo hiểm!…”.

Tôi biết cô bé đang trong giai đoạn “trở chứng” với những đổi thay mạnh mẽ về tâm sinh lý lứa tuổi. Các con đang học đòi nhiều thứ, thích thể hiện và khẳng định cái tôi cá nhân to đùng. Nhưng người lớn phải nghiêm thì con trẻ mới nên người, tôi quyết tâm vừa nghiêm khắc phê bình vừa thủ thỉ chuyện trò sau giờ học để gần gũi con hơn, nhắn nhủ nhiều điều hơn. Và quả thật là “mưa dầm thấm lâu”, bọn trẻ trong lớp răm rắp đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện.

Vớ cái mũ bảo hiểm đội lên đầu rồi khởi động xe đạp điện, tôi mong học sinh nơi nơi nghiêm túc chấp hành luật giao thông bằng hành động bé nhỏ ấy rồi dần dà vun bồi thành những thói quen tốt đẹp. Văn hóa giao thông cần được nhà trường chú trọng chăm bón và “quả ngọt” về một thế hệ trẻ hành xử tử tế, văn minh sẽ thu hoạch rực rỡ trong tương lai gần.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả!

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.