Lần đầu về thôn Vỹ

02/12/2020 14:00 GMT+7

Ba má tôi là người Vỹ Dạ. Tôi sinh ra ở Phú Yên, và theo gia đình tập kết ra miền Bắc.

Hồi nhỏ, tôi chỉ biết thôn Vỹ qua thơ của Hàn Mặc Tử trong giờ dạy văn và hình dung Vỹ Dạ rất thơ mộng…
Ba tôi thường nói, nếu ở Huế, đi qua Đập Đá, là đến Vỹ Dạ, nhà Mạnh Sử của ông nội ở đấy, gần sông Hương, bên kia sông là cồn Hến, bên ấy trồng nhiều ngô. Cứ sau Tết hoa ngô nở trắng khắp ven cồn.
Nghe má tôi kể, người nơi ấy trọng lễ nghi và cuộc sống có tính trầm lặng. Phụ nữ ra khỏi nhà, đàn ông đi làm là mặc áo dài, học sinh đi học, con trai con gái đều mặc áo dài trắng. Nhất là sự lễ phép của người xứ ấy. Dù là lớn, bé đều đi thưa về chào với hai tay khoanh sát ngực. Người cao tuổi rất được trọng thị. Ở đấy nhà quyền quý, nhà dân dã, không có sự phân biệt trong cách cư xử với nhau, nhà nào cũng có hàng rào bằng cây chè được tỉa tót ngay hàng thẳng lối.
Nước nhà thống nhất, tôi vẫn chưa về thôn Vỹ, nơi nhà tôi ở đó, chỉ biết tin là ba tôi đang đóng quân tại Phú Bài.
Cuối năm 1976, tôi đi nhờ xe về đồn Mang Cá thành phố Huế, để về Vỹ Dạ.
Về đến Huế đã quá nửa đêm. Xe dừng tại một bến xe gần cầu Phú Xuân.
Trời se lạnh, thành phố rất yên tĩnh, đêm có trăng, ánh sáng bàng bạc trên bầu trời, nên khung cảnh nhìn rất lạ. Đi trên cầu thấy những tia sáng lung linh, như ngàn vạn ánh sao di chuyển trên mặt nước. Đằng sau là kỳ đài đen sẫm cao lớn như chạm vào đám mây màu trắng bạc. Phía xa đèn hiệu nhấp nháy trên ngọn tháp trông thật cô đơn. Trong không gian yên tĩnh bỗng vang lên tiếng chuông, lúc đầu tiếng chuông nhỏ rồi to dần, rồi ngân rền vang như mãi không dứt, tiếng chuông như lan khắp mặt sông và truyền đi xa, lúc tiếng chuông nhỏ dần, không gian cũng như lặng lẽ hơn. Từ bờ sông Hương, những vòm cầu xám vươn ra sông, đến giữa dòng bỗng biến mất dưới mặt nước.
Qua cầu, nhớ lời ba, tôi rẽ theo đường về Thuận An, đi hết dãy phố có biệt thự hai bên, thì gió thổi lạnh và đường thấp hẳn xuống ngang mặt nước.
Hết đoạn đường thấp đó, đập vào mắt tôi là cảnh bình yên không thể tả, hai bên đường là những tường rào bằng cây cao ngang ngực, bên trên xén bằng thẳng tắp, từ tường rào dẫn vào đến sân cũng là hàng rào thấp, phía trong là những ngôi nhà mái ngói đen sẫm óng ánh sương, trước sân nhà nào cũng thấy một bức tường thấp. Khung cảnh cứ tiếp diễn như lời má tôi từng kể, đi thêm nữa thì thấy một cổng lớn có ba cửa vòm cuốn. Rồi lại tiếp tục những tường rào cây chè như kéo dài mãi...
Đã nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ, giọng nói lao xao, và ánh đèn của các nhà dậy sớm. Thấy có bóng người trong một ngôi nhà, theo lối hàng rào tôi bước vào sân để hỏi đường về nhà Mạnh Sử. Khi người ấy bước qua mái hiên, thì trời phật ơi, đó là ba tôi, người từ năm 1969 tôi chưa gặp lại. Nhìn thấy tôi, ông lặng một hồi, rồi nói: “Con đang ở nhà ông nội”…
Nhà ông tôi nằm giữa khu vườn, là nhà rường 5 gian, mái lợp ngói nhiều lớp, nhà nhiều cột bằng gỗ mít, các cánh cửa làm rất cầu kỳ, bên trên là song, chẳng có bản lề, tháo cửa ra nhà như rộng thêm, khi đóng lại với nhau thì ăn khít và rất chắc chắn. Từ cánh cửa, cột nhà, xà ngang, vách ngăn đều một màu nâu sẫm trầm mặc theo thời gian, trong nhà luôn thoảng mùi hương trầm. Qua khoảng sân là bức tường gắn chữ Phúc - Hán tự, hàng rào bao quanh khu vườn bằng cây chè tàu được cắt tỉa gọn gàng, bên nhà hàng xóm cũng giống như thế .
Buổi sáng thôn Vỹ không gian thật nhẹ nhàng, tiếng chim chích chích trong vòm lá, mấy con bướm lượn nhấp nhô trên ngồng cải xanh. Lần đầu được ăn cơm hến, món ăn dân dã của người Vỹ Dạ, khi trộn các thứ ở trong tô thì có vị rất lạ, nhưng chỉ khua một đũa là hết. Buổi tối màn đêm như đặc lại, yên tĩnh đến nghe rõ tiếng côn trùng rả rích, đặc biệt là tiếng rao kéo dài trong ngõ vắng của người bán trứng vịt lộn.
Hôm sau, ba đưa tôi đến phủ Ba cửa tại Vỹ Dạ. Khi đến, cổng đang đóng, nhìn qua song, thấy bức tường đắp nổi rồng, phượng giống đình làng. Một ông già e dè bước ra nhìn, thấy ba nói nhỏ với ông. Tự dưng ông thốt lên: “Ôi cha mạ ơi, răng chừ mệ mới về”. Giọng rất lạ. Bỏ chúng tôi đứng đấy, ông biến mất. Khi cánh cổng giữa mở ra, tôi ngạc nhiên thấy ông đội khăn đóng, áo dài, khoanh tay nói: “Kính mệ vô, thưa mệ”. Lần đầu nghe từ mệ, tôi tưởng ông nói nhầm chi đó…
Khi rời phủ Ba cửa, tôi biết thêm tại thôn Vỹ, có một dòng họ rất đặc thù ở Huế.
Lần đầu về Vỹ Dạ của tôi là rứa đó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.