Lần đầu 'phát lộ' hình ảnh thuở sơ khai của vũ trụ

Như Trần
Như Trần
14/07/2022 07:46 GMT+7

Những bức ảnh đầu tiên Kính thiên văn vũ trụ James Webb chụp được đã cho thấy hình ảnh ấn tượng của vũ trụ thuở hồng hoang.

Theo Reuters, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 12.7 tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở bang Maryland (Mỹ) đã công bố những bức ảnh đầu tiên do Kính thiên văn vũ trụ James Webb chụp được, mở ra kỷ nguyên mới cho việc quan sát vũ trụ.

Các hình ảnh được hé lộ ngày 12.7 bao gồm 3 ảnh chụp vũ trụ và một phân tích quang phổ với độ chi tiết ngoạn mục. Trước đó, một bức ảnh gọi là trường ảnh sâu đầu tiên của James Webb đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sớm vào ngày 11.7.

NASA công bố hình ảnh nơi sâu nhất của vũ trụ

Trường ảnh sâu đầu tiên của James Webb chụp lại quần tụ thiên hà SMACS 0723 cách trái đất 4,6 tỉ năm ánh sáng. Trường ảnh sâu trên được các chuyên gia ghép lại từ các bức ảnh ở nhiều bước sóng khác nhau trong vùng cận hồng ngoại, được James Webb chụp trong 12,5 giờ. Nhờ độ nhạy và phân giải cao, kính Webb sẽ cho ra những bức ảnh không chỉ chi tiết như vậy, mà còn chứa các thiên thể cổ xưa nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ, được hình thành 13,6 tỉ năm trước, khi tuổi vũ trụ mới chỉ bằng 1% tuổi ngày nay, gần bằng thời điểm xảy ra vụ nổ Big Bang (khoảng 13,8 tỉ năm trước).

Trường ảnh sâu đầu tiên của James Webb, chụp lại quần tụ thiên hà SMACS 0723

Vì vậy, bức ảnh này được cho là đã cung cấp cái nhìn chi tiết nhất về vũ trụ sơ khai.

Trong số 4 chủ thể khác được James Webb chụp có 2 đám mây khí và bụi khổng lồ cách trái đất hàng ngàn năm ánh sáng: Tinh vân Thuyền Để và Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam. Tinh vân Thuyền Để là một vườn ươm sao khổng lồ, nơi sinh ra những ngôi sao mới trong khi Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam là tàn tích của một ngôi sao đã chết.

Tinh vân Chiếc nhẫn phương Nam

NASA

Theo CNN, James Webb cũng chụp lại hình ảnh cho thấy cách các thiên hà tương tác với nhau. Còn theo tạp chí Time, điều gây phấn khích nhất có lẽ là phân tích quang phổ đầu tiên James Webb thực hiện về hành tinh khí khổng lồ WASP-96b, quay quanh một ngôi sao cách trái đất 1.150 năm ánh sáng. James Webb đã chụp được dấu hiệu của nước, cùng với bằng chứng chưa từng được phát hiện trước đây về các đám mây và khói mù, trong bầu khí quyển của WASP-96b.

Phó giám đốc NASA Pam Melroy cho biết James Webb có đủ nhiên liệu để hoạt động trong 20 năm. Vì vậy, đây sẽ chỉ là hình ảnh đầu tiên trong số nhiều hình ảnh James Webb chụp trong 2 thập niên tới, hứa hẹn sẽ thay đổi cơ bản cách chúng ta hiểu về vũ trụ.

Kính thiên văn vũ trụ mạnh nhất thế giới

Kính viễn vọng không gian lớn nhất và mạnh nhất thế giới James Webb là thành quả của 25 năm làm việc của hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư và nhà quản lý trong các cơ quan vũ trụ, công ty, trung tâm nghiên cứu và trường đại học trên toàn thế giới, bao gồm NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), và Viện Khoa học kính thiên văn vũ trụ (STScI).

Theo AFP, dự án tiêu tốn 10 tỉ USD này đã tạo ra cỗ máy nặng hơn 6,3 tấn, nhạy hơn gấp 100 lần so với Kính viễn vọng không gian Hubble. Điều này là nhờ bề mặt thu ánh sáng lớn hơn nhiều của James Webb, có đường kính hơn 6,5 m được ghép lại từ 18 tấm gương nhỏ hình lục giác bằng kim loại phủ vàng.

James Webb được phóng lên không gian từ xứ Guyane thuộc Pháp ở Nam Mỹ vào ngày 25.12.2021 và đến vị trí cách trái đất 1,6 triệu km vào tháng 1. Sau quá trình tinh vi để mở gương, lá chắn nhiệt và hiệu chỉnh những thiết bị của James Webb, các nhà khoa học đang bắt tay vào việc dùng cỗ máy để khám phá sự tiến hóa của thiên hà, vòng đời của các ngôi sao, bầu khí quyển của các hành tinh xa xôi và nhiều mục tiêu khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.