Làn da bật mí điều gì về những rắc rối bên trong người bạn?

Kiều Oanh
Kiều Oanh
06/02/2019 05:03 GMT+7

Với diện tích bao phủ khắp cơ thể, da cũng là bộ phận “biết nói”, thông báo cho chúng ta biết các rắc rối từ bên trong, bao gồm chứng stress phức tạp.

Stress vì tia cực tím

Một trong những phản ứng dễ thấy nhất của da là đỏ tấy khi bị phơi quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời. Tác hại của tia cực tím khiến các tế bào máu khẩn trương tụ tập ở khu vực da bị phơi nắng để cố phục hồi hư tổn. Tác hại không chỉ ở một vài hôm da đỏ tấy hoặc sậm màu: phơi quá nhiều dưới tia cực tím có thể dẫn đến ung thư da.
Cách hiệu quả nhất để chống lại tia cực tím là hạn chế đi dưới ánh nắng khi mặt trời đã lên cao, còn khi buộc phải làm điều đó thì nhớ độ mũ rộng vành, mặc quần áo che kín da, theo Health Line.
Bôi kem chống nắng cũng là một cách hiệu quả.
Có thể bạn đã biết rằng limonene, hóa chất có nhiều trong vỏ của các loại trái thuộc họ chanh cam có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Nó cũng có tác dụng bảo vệ bạn trước tia cực tím nữa.
Nhưng nhớ đừng bỏ… ruột nhé. Những loại trái cây giàu vitamin C như họ chanh cam (và cả dâu, táo…) giúp bạn chống lại tổn hại từ các gốc tự do ánh nắng mặt trời gây ra.

Stress và mụn

Khi da có vấn đề như nổi mẩn, ngứa, vảy nến, chàm… người ta thường nghĩ ngay đến khả năng bị viêm nhiễm. Nhưng Health Line dẫn kết quả hàng loạt cuộc nghiên cứu chứng minh rằng não bộ từ tít sâu trong đầu cũng đã “bắt tay” với da để có các phản ứng bảo vệ trước các quá tải từ bên trong.
Chính vì vậy, nếu bạn đã làm đủ các xét nghiệm mà vẫn không tìm ra nguyên nhân sau khi da “lên tiếng”, hãy nghĩ đến stress. Trị stress lắm lúc rất nhiêu khê nhưng thể dục thể thao, thiền, yoga là những thứ đã được chứng minh giảm stress hiệu quả mà bạn có thể thực hiện khá dễ dàng. Về dinh dưỡng, hãy hạn chế các chất tạo ngọt, thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ, theo Health Line.

Rồi đến chất nhờn

Sát đến thời hạn phải hoàn tất công việc, áp lực gia đình, căng thẳng chuyện tiền bạc… tất cả có thể phơi bày hết lên bề mặt cơ thể bạn, không chỉ là mụn mà còn có thể là chất nhờn nữa, đặc biệt là ở phụ nữ. Stress rất ưa phát tín hiệu trên da, gây ra rối loạn hoóc  môn dẫn đến nổi mụn và tạo ra các hóa chất dẫn đến tăng tiết chất nhờn.
Hãy chú ý đến các biện pháp giảm stress như kể trên. Dành thời gian cho bạn bè, các hoạt động xã hội cũng là một cách giảm stress hiệu quả khác.

Gàu, rụng tóc và móng xấu

Sức khỏe của da đầu, tóc và móng tay đều liên quan đến việc bạn stress hay không stress Shutterstock
Bạn mắc thói quen tự giựt tóc, tự cắn móng tay? Rồi da đầu bạn đầy gàu? Stress có thể gây nên tất cả! Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thủ phạm nằm ở chỗ khác. Ví dụ gàu có thể là hậu quả của bệnh vảy nến. Hay rụng tóc và móng tay xấu có thể là hậu quả của thiếu chất dinh dưỡng.
Đừng tắm nước quá nóng vì điều đó càng làm tổn hại thêm da, bao gồm da đầu của bạn. Hãy chăm sóc cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống cân bằng. Hãy đặc biệt nhớ bổ sung đủ rau và trái cây, theo Health Line.

Da mỏng

Nếu nồng hộ hoóc môn cortisol trong cơ thể bạn cao bất thường, da của bạn có thể trở nên rất mỏng. Mà bạn biết đấy, da là lớp áo giáp dẻo dai bảo vệ cơ thể, một khi nó trở nên mỏng manh, dễ rách thì chắc chắn là không có lợi cho cơ thể.
Trong trường hợp da mỏng mà còn kèm theo những triệu chứng khác như không dung nạp glucose, yếu cơ, suy giảm hệ miễn dịch… hãy coi chừng bạn mắc hội chứng Cushing. Lúc này, bạn cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ để kiểm soát hàm lượng cortisol quá cao trong cơ thể.

Vết thương lâu lành

Nếu bạn bị stress nặng thì biểu bì - lớp ngoài cùng của da cũng có khuynh hướng trở nên rất yếu, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc các bệnh do môi trường xung quanh gây ra. Điều này cùng lúc cũng làm chậm khả năng làm lành vết thương và gây mụn.
Uống nhiều nước và sử dụng các loại mỹ phẩm giữ ẩm tốt cho da có thể giúp cải thiện phần nào vấn đề này bên cạnh việc giải quyết căn nguyên của stress.
 
Mắt thâm quầng
Khi mắt bạn thâm quầng, câu hỏi thăm bạn thường nghe nhất từ những người xung quanh là “Mất ngủ hả?”. Chính xác, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu ngủ. Nhưng mắt thâm quầng cũng là cách cơ thể phản ứng trước stress nữa. Mà mất ngủ và stress thì vẫn thường là “đôi bạn thân thiết”.
Thiền, yoga, đi ngủ đúng giờ, vận động hợp lý… vẫn là những cách hiệu quả để hạn chế mất ngủ. Còn một điều khác mà con người thời nay thường không thích tuân thủ: tránh xa màn hình các thể loại trong vòng 2 giờ trước khi lên giường.

Nếp nhăn trên mặt

Không ai có thể che đậy hoàn toàn dấu vết của thời gian trên gương mặt, ngay cả khi họ vịn đến…Botox. Stress càng “cày xới” kỹ lưỡng “mặt tiền” của bạn.
Yoga - với những động tác tập cơ mặt, giúp da đàn hồi có thể giúp hạn chế vết nhăn trên gương mặt. Hiệu quả giảm stress tuyệt vời của môn này nói chung cũng giúp hạn chế nếp nhăn.
Tất nhiên, không có chuyện hiệu quả của nó thần tốc như Botox, có điều đó là liệu pháp bền vững, còn Botox thì không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.