Làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công

Ngày 25.7, phát biểu tại cuộc gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các thương binh nặng tiêu biểu là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.

Lễ gặp mặt do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, T.Ư Đoàn và Báo Nhân Dân tổ chức nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019).
Thanh Niên xin đăng toàn văn nội dung bài phát biểu của Thủ tướng.

Tổ quốc mãi mãi tri ân

Lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta là những bản hùng ca, tiếp nối truyền thống đó, nhân dân ta đã theo Đảng vượt qua muôn vàn gian khổ gần một thế kỷ qua, với ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Rất nhiều đồng chí đã vĩnh viễn ra đi vì Tổ quốc, và rất nhiều đồng chí trở về sau chiến tranh với thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn do vết thương để lại hay bị nhiễm chất độc hóa học. Máu đào và sự hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ đã tô thắm màu cờ Tổ quốc, để cho đất nước ta “Nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc có mặt tại đây hôm nay chính là những nhân chứng, là tấm gương của tinh thần người người kiên cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì tự do, độc lập cho đất nước và vì hạnh phúc cho đồng bào mình. Hôm nay, chúng ta rất xúc động và trân trọng gặp mặt, tuyên dương 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc, đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng, hàng trăm nghìn thương binh, bệnh binh và hàng triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước. Các đồng chí đều là những người lính, trải qua các cuộc chiến tranh gian khổ, khốc liệt, bị mất sức lao động 81% trở lên, thậm chí có 33 đồng chí mất tới 95% hay 100% sức lao động; nhiều người là Anh hùng Lực lượng vũ trang, có đại biểu là nữ, đại diện cho các vùng miền, các dân tộc anh em.
Trở về với cuộc sống đời thường tại gia đình hay tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đa số các đồng chí thương binh nặng phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc hoặc nằm liệt giường, không tự chủ được trong sinh hoạt... Thế nhưng, các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau về tinh thần ẩn sâu, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Có người tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đồng chí Lê Hữu Trạc - Chủ tịch Hội Người mù; đồng chí Trần Duy Lý tham gia Đảng ủy phường, tổ dân phố; có người cùng gia đình tổ chức sản xuất kinh doanh như thương binh Đinh Hữu Du nuôi ong, trồng dược liệu... Những việc làm giản dị mà đáng trân trọng biết nhường nào.
Xúc động, cảm phục, trân trọng tri ân, là những tình cảm sâu nặng mà Đảng, Nhà nước và Tổ quốc xin mãi gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Vào dịp này mỗi năm, tấm lòng mỗi người Việt Nam đang được sống trong hòa bình và độc lập, dường như lắng lại và rung lên những cung bậc sâu sắc, tri ân hàng triệu con người đã hy sinh, đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân và trong đó có rất nhiều người thân, ruột thịt của các đồng chí có mặt trong hội trường này. Những hy sinh, những mất mát đó đã cho chúng ta cơ hội và thôi thúc chúng ta sống tốt nhất, để cống hiến cho sự trường tồn, phồn vinh và chủ quyền của Việt Nam giàu mạnh hùng cường, ấm no hạnh phúc cho mọi nhà.
Làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công1
Hôm nay, chúng ta đều rất xúc động đến đây dự cuộc gặp mặt và cảm ơn các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 - một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Cách đây 72 năm, Bác Hồ đã chỉ thị chọn ngày 27.7 hằng năm là ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Người căn dặn: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy", ... chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Thực hiện tâm nguyện ấy của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng. Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng người có công được mở rộng; chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và đồng thuận xã hội.
Hằng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn hai triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng

Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực trong những năm qua. Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đã thực hiện phong trào sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Chỉ tính từ năm 2010 trở lại đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận 6.481 tỷ đồng, xây mới 85.145 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 70.431 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 12.683 tỉ đồng; tặng 124.029 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 981 tỉ đồng; cả nước có 6.186 bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Tuy là còn nhỏ trong những khó khăn to lớn của những người có công, nhưng những việc tri ân này đã một phần thể hiện lòng biết ơn vô hạn.

Tiếp tục chăm lo chu đáo, đầy đủ hơn cho người có công

Làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 72 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

Ảnh: CHINHPHU.VN

Những ngày này, cả nước đang tổ chức các hoạt động trang trọng “Đền ơn đáp nghĩa”, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng, mà 500 đồng chí thương binh nặng có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu. Đây thực sự là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên cho mỗi chúng ta.
Nhân dịp này, tôi cũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể từ trung ương tới địa phương trong cả nước... Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội những năm vừa qua đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong phối hợp chặt chẽ các bộ, các ngành, các địa phương triển khai các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Thông qua các hoạt động kỷ niệm, đã khẳng định công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất chống giặc ngoại xâm; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, đã có hơn 98,5% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi... Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, đạt 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng.
Để đạt được mục tiêu đó, tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động sự tham gia của mọi người dân, với nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công. Trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng; quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công.
Rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.
Hai là, bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu hết năm 2019, các địa phương không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ…
Ba là, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tiếp tục giải quyết kịp thời, chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.
Bốn là, phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ; nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... tạo sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Với những hy sinh mất mát to lớn không gì bù đắp được, chúng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình, thống nhất đất nước hôm nay.
500 đồng chí thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc dự cuộc gặp mặt tuyên dương hôm nay, là những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, công tác, lao động và sản xuất, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Chúc các đồng chí đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc có mặt tại buổi gặp mặt hôm nay cùng gia đình sống vui, sống khỏe, sống có ích; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vượt mọi khó khăn trong bệnh tật, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi hoàn cảnh, và mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo và học tập.
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi xin chúc các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Với tinh thần biết ơn các bậc tiền bối, chúng ta kiên quyết bảo vệ những gì giành được, nỗ lực phấn đấu hết sức mình, giữ vững độc lập tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; và con cháu thế hệ mai sau được sống trong hòa bình, hạnh phúc.
Khai trương Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ
Chiều 25.7, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN) tổ chức khai trương Trung tâm giám định ADN. Theo GS Châu Văn Minh, Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ VN, trung tâm sẽ đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ/năm, với những mẫu răng qua 70 năm chôn cất vẫn có thể giám định được. Trung tâm đặt mục tiêu trở thành đơn vị hạt nhân về công nghệ tách chiết và phân tích ADN/di truyền từ các mẫu xương lâu năm, hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nhân lực quốc tế trong giám định di truyền hình sự, di truyền cá thể.
Hiện vẫn còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được định danh. Với dự án nâng cấp Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Viện Công nghệ sinh học kỳ vọng sẽ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Đề án 150 (đầu tư nâng cấp trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin) là phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm.
T.Hằng
(*) Tựa bài và những tựa nhỏ do Thanh Niên đặt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.