Làm thuê để đến giảng đường

Vũ Thơ
Vũ Thơ
19/11/2018 09:16 GMT+7

Không chỉ vượt qua khó khăn để trở thành sinh viên, họ còn tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những tấm gương trong những câu chuyện đẹp được Hội Sinh viên VN tuyên dương.

Đừng ngồi một chỗ để tính toán thiệt hơn
Trần Trung Thông, sinh viên (SV) năm thứ 4 Trường ĐH Vinh (Nghệ An), sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Kim Liên, H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. “Bố mẹ mình đều là nông dân nên cuộc sống khá khó khăn. Năm mình học lớp 9 thì bố mất vì bệnh tật”, Trung Thông chia sẻ. Thương mẹ, sáng sớm Trung Thông dậy đi gặt lúa rồi về đi học, chiều đi học về thì dắt bò đi cày ruộng...
Khi vào ĐH, Trung Thông đã làm đủ các nghề để tự nuôi mình. “Mình đi bán cà phê, chụp ảnh dạo, phục vụ quán nước, thiết kế sản xuất đồng phục, quà tặng… để kiếm sống. Sau 1 năm đi làm thêm, tích lũy được chút kinh nghiệm, mình mở một quán cà phê định khởi nghiệp từ đây. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng thì thất bại, tiêu tan 30 triệu đồng tiền vốn tích cóp từ việc làm thuê và vay mượn của bạn bè”, Trung Thông kể.
Không đầu hàng số phận, Trung Thông quyết tâm vượt qua phận nghèo. Đến cuối năm thứ 3, Thông lại quyết định khởi nghiệp và sáng lập ra nhóm TeamX_Eventteambuilding chuyên tổ chức các sự kiện cho các công ty du lịch và hiện Thông trở thành CEO của Công ty TNHH GT & TT Hoàng Trung với doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng.
Làm thuê để đến giảng đường1
Trần Trung Thông
Chia sẻ về quan điểm sống của mình, Trung Thông nói: “Không ai định giá được tuổi trẻ, bởi thế đừng ngồi một chỗ để tính toán thiệt hơn. Hãy làm việc bằng điều mà bạn đam mê. Nhưng đam mê đó phải nuôi sống bản thân bạn”.
Điều đáng trân trọng ở SV này là 2 năm liên tiếp thực hiện thành công 2 chương trình "Sưởi ấm bản làng" với tổng số tiền quà tặng hơn 150 triệu đồng. Suốt 3 năm học, Trung Thông làm Chủ nhiệm CLB Tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và anh cũng đã hơn 10 lần hiến máu...
Lon nước nhỏ cho ước mơ lớn
Bùi Văn Thông (quê xã Ân Nghĩa, H.Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) là SV năm thứ nhất Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Gia đình Thông không có thu nhập gì ngoài làm nương rẫy.
Vì hoàn cảnh nghèo khó, nên Thông phấn đấu thi đỗ vào trường của ngành công an để được miễn phí ăn học. Khi vào ĐH, đêm đêm đi qua các quán ăn, thấy những vỏ lon bia, nước ngọt vứt bừa bãi, Thông nảy sinh ý tưởng thu gom bán lấy tiền để gây quỹ thiện nguyện. “Hiểu được sự khó khăn, vất vả của những mảnh đời bất hạnh, nên mình đã cố gắng thu gom những lon nước để gây quỹ giúp các học sinh nghèo khó vươn lên học giỏi và cũng là cách làm sạch môi trường”, Thông chia sẻ.
Thời gian đầu đi thu gom, Thông dự tính kiếm được 10.000 - 20.000 đồng/ngày, mỗi tháng được vài trăm ngàn đồng để giúp một học sinh nghèo. Tuy nhiên, thấy hành động của Thông có ý nghĩa, nên nhiều SV khác cùng tham gia và thành lập nhóm SV làm thiện nguyện, có ngày thu gom được tới 500.000 đồng. Từ nguồn quỹ gây được bằng hoạt động thu gom vỏ lon, Thông thành lập quỹ học bổng “Ước mơ cho em”, trao tặng học sinh nghèo vượt khó tại vùng sâu vùng xa để mong các em thực hiện được ước mơ lớn. Đến nay, quỹ đã trao tặng hơn 100 suất học bổng, từ 500.000 - 1 triệu đồng/suất.
Sau khi có quỹ, hằng tháng và các dịp nghỉ tết, nghỉ hè, Thông lại tổ chức các chương trình thiện nguyện đến những vùng quê nghèo để trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn là học sinh và người già neo đơn ở nhiều tỉnh thành phía bắc. Ngoài việc gom góp phế liệu bán lấy tiền, Thông còn tranh thủ đến từng nhà dân vận động quyên góp những đồ dùng như quần áo, chăn màn để tặng người nghèo và vận động người dân tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.