Báo động tình trạng người trẻ thức khuya

Làm thế nào để 'thức tỉnh' việc thức khuya?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
11/05/2023 09:00 GMT+7

Tại bảng khảo sát của Báo Thanh Niên, chúng tôi có đặt câu hỏi: "Theo bạn, nên làm gì để thức tỉnh người trẻ về tác hại của việc thức khuya" và nhận được nhiều giải pháp do chính người trong cuộc đề xuất.

TUYÊN TRUYỀN CỰC MẠNH

Một sinh viên Học viện Ngoại giao đề xuất giải pháp: "Truyền thông cực mạnh về tác hại của việc thức khuya bằng những người thật việc thật. Nhiều khi học sinh, sinh viên chưa nhìn thấy tác hại của việc thức khuya, nhưng khi có dấu hiệu về suy giảm sức khỏe, thì họ sẽ cân nhắc".

Các bạn trẻ cũng đề xuất sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền đến giới trẻ về tác hại của việc thức khuya. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất cần tuyên truyền trong trường học và mời chuyên gia, bác sĩ đến nói chuyện trong nhà trường.

Một học sinh của Trung tâm GDTX Chu Văn An (TP.HCM) đề nghị mở nhiều lớp kinh nghiệm sống tuyên truyền đến trường lớp, nói lên tác hại của việc thức khuya. "Theo em nên có những buổi tập trung để nói về vấn đề thức khuya. Nên cảnh báo tới học sinh về các vấn đề ảnh hưởng của việc thức khuya đến việc học và sức khỏe của chúng ta", học sinh này chia sẻ.

Làm thế nào để 'thức tỉnh' việc thức khuya? - Ảnh 1.

Cần tuyên truyền để học sinh, sinh viên hạn chế thức khuya xem mạng xã hội

Ngọc Thắng

Một sinh viên của Trường ĐH Luật Hà Nội bày tỏ: "Theo em nghĩ, những ví dụ thực tế về hậu quả của việc thức khuya sẽ chính là lời cảnh tỉnh tốt nhất. Nên những bài báo hay truyền thông trên các phương tiện công cộng sẽ là cách hiệu quả nhất".

RÈN KỸ NĂNG, GIẢM BỚT ÁP LỰC

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đề xuất những giải pháp sáng tạo như: tạo ra thử thách để thiết lập thói quen lành mạnh cho người tham gia trên cơ sở có phần thưởng. "Nếu muốn người tham gia thực sự nhận thức được việc thức khuya ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, chúng ta nên tổ chức một hành trình sống khỏe mà người tham gia có thể trải nghiệm trong một khoảng thời gian đủ để ghi nhận biến đổi tích cực và hình thành thói quen mới. Ví dụ, thử thách sống "healthy" kéo dài 2 tuần, yêu cầu mỗi ngày ngủ trước 11 giờ, ngủ từ 7 - 8 tiếng/ngày để thấy sức khỏe cải thiện ra sao…".

Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên thực hiện các dự án nâng cao nhận thức về tác hại của thức khuya và đặc biệt phải rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian cho học sinh từ khi còn nhỏ. Một sinh viên Học viện Tài chính cho biết: "Giải pháp tốt nhất là nâng cao kỹ năng quản lý thời gian trong ngày của học sinh, sinh viên. Ngoài ra, đối với lứa tuổi học sinh, nên giảm nhẹ áp lực học hành cho các em để hình thành thói quen ngủ sớm từ nhỏ".

Đồng quan điểm này, một bạn chia sẻ: "Cần dạy cho học sinh hiểu thời gian là vàng, cần biết tận dụng thời gian phân bổ hợp lý, lúc nào nên nghỉ ngơi và đọc sách để thấy tuổi trẻ quý giá như nào; tuyên truyền văn hóa đọc sách tinh hoa, không đọc tin trên mạng xã hội".

Đáng lưu ý có rất nhiều ý kiến đề xuất cần giảm bớt thời gian xem mạng xã hội và dùng biện pháp mạnh là phụ huynh tịch thu điện thoại, tắt wifi. "Về phía các bậc phụ huynh thì nên thu điện thoại của con trước khi đi ngủ hoặc thậm chí có thể giấu đi. Về phía nhà trường thì có thể tuyên truyền về những tác hại của việc thức khuya", một học sinh Trường THCS Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đề xuất.

Làm thế nào để 'thức tỉnh' việc thức khuya? - Ảnh 2.

Học sinh, sinh viên biết đến tác hại của việc thức khuya qua nhà trường chiếm tỷ lệ thấp

Đồ họa: Nguyễn Minh Anh

Đặc biệt, có không ít ý kiến đề nghị giảm bớt áp lực cho học sinh, sinh viên như: giao ít bài tập về nhà, giảm áp lực của các kỳ thi để hạn chế tình trạng thức khuya. Bên cạnh đó, có học sinh thẳng thắn: "Theo em mỗi bản thân chúng ta nên tự giác ngưng việc này lại, bởi chỉ có mình là bỏ được thói quen của bản thân".

PHỐI HỢP GIỮA GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG

Bà Nguyễn Thị Láng, giáo viên THPT ở Q.Ba Đình (TP.Hà Nội), cho rằng đối với học sinh phần lớn chưa ý thức được tác hại của việc thức khuya, do vậy nên đưa chủ đề này vào trường bằng các buổi sinh hoạt chung, do Đoàn trường tổ chức và vào các tiết sinh hoạt lớp (bắt buộc). Ngoài ra, rất cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và các cấp ngành.

Ông Nguyễn Bá Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS TT.Quỳnh Côi (H.Quỳnh Phụ, Thái Bình), cũng cho biết cần tuyên truyền để toàn xã hội nhận thấy đây là thực trạng đáng báo động với người trẻ.

"Gia đình cần quản lý tốt việc học của con, không tạo áp lực, ép buộc con phải học thêm quá tải. Gia đình phải quản lý khung thời gian học buổi tối, cho con đi ngủ đúng giờ, nếu vì lý do bài tập nhiều, nên có chế độ thông tin phản ánh với các nhà trường. Đồng thời gia đình phải quản lý việc con sử dụng điện thoại, xem ti vi, sử dụng mạng xã hội đúng thời gian và đúng hiệu quả. Đặc biệt, cha mẹ, người lớn trong gia đình phải nêu gương về việc này", ông Bắc nói và nêu quan điểm: "Nhà trường cần công khai kế hoạch, chương trình của từng khối lớp với phụ huynh học sinh. Thường xuyên công khai thông tin, có nội dung tư vấn để phụ huynh hiểu đúng về kế hoạch, chương trình của nhà trường. Thường xuyên giáo dục kỹ năng sống, trong đó làm tốt nội dung giáo dục việc ngủ đúng giờ, để đảm bảo sức khỏe cho học tập và rèn luyện cho học sinh, sinh viên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.