Làm thế nào để giáo dục hội nhập quốc tế?

04/01/2007 23:14 GMT+7

TS Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã trao đổi với Thanh Niên về những bước phát triển mới để ngành giáo dục thành phố hội nhập quốc tế...

* Theo ông, ngành giáo dục TP.HCM đang đứng ở vị trí nào và có bước tiến gì mới?

- Giáo dục của thế giới trong thế kỷ 21 đang tập trung thực hiện 4 mục tiêu cơ bản cho người học là: học để biết, học để làm, học chung sống và học để khẳng định mình. Do vậy mà mô hình nhà trường hiện đại phải tổ chức dạy học với những phương pháp tiên tiến, đảm bảo cho học sinh lĩnh hội và thực thi 6 bậc thang tri thức là: biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Nhà trường áp dụng phương pháp dạy học "cá thể", dạy học hướng về người học hay còn gọi là dạy học lấy học sinh làm trung tâm với đầy đủ thiết bị và đồ dùng dạy học trong nội dung chương trình được xây dựng theo hướng tích hợp, ít môn học nhưng đầy đủ khía cạnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo...

Cụ thể là nhà trường tổ chức học tập 2 buổi/ngày, sĩ số từ 20-30 học sinh/lớp, có điều kiện để giáo viên quan sát, hướng dẫn, chăm sóc, phát huy năng khiếu của từng học sinh. Tổ chức tốt đời sống và điều kiện làm việc của giáo viên. Ngoài ra, nhà trường được tự chủ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ đầu tư, nhân sự đến chuyên môn...

Đến nay thành phố (TP) đã giải quyết được chỗ học đạt chuẩn cho học sinh với đủ các điều kiện ánh sáng, môi trường học tập, cơ sở vật chất, quy cách bàn ghế, bảng đen, không còn lớp học ca 3, ca 4. Đến năm 2008, TP sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục ở bậc trung học... Tuy nhiên, so với mô hình nhà trường hiện đại, thì sĩ số lớp học còn nhiều, số trường học 2 buổi/ngày còn ít, một bộ phận giáo viên chưa sử dụng thành thạo thiết bị và phương pháp dạy học mới, đặc biệt điều kiện sống, làm việc của giáo viên vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nội dung chương trình còn nặng nề, quá tải, chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu đào tạo con người. Chế độ thi cử tuy đã cải tiến nhưng vẫn chưa đánh giá được toàn diện học sinh...

* Ông có nói chỗ học đạt chuẩn, ở đây là chuẩn Việt Nam, vậy khi nào TP.HCM sẽ tiến dần đến chỗ học đạt chuẩn quốc tế?

- Từ nay đến năm 2010, TP tiếp tục xây dựng trường lớp theo quy hoạch mạng lưới trường học, tăng số lượng trường học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số lớp theo chuẩn 30 học sinh/lớp. Xây dựng và củng cố đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm thành thạo hóa phương pháp dạy học mới và sử dụng tốt thiết bị hiện đại, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học... TP đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động tốt các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để tăng suất đầu tư, đổi mới quản lý, xây dựng mô hình giáo dục hiện đại...

* Thưa ông, nhiều phụ huynh mong muốn chọn lựa trường có chất lượng quốc tế để gửi gắm con em theo học. Và thực tế hiện nay hệ thống các trường này phát triển nhanh, Sở GD-ĐT quản lý hệ thống này hiện nay ra sao?

- Với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT tại địa phương, chúng tôi đã tham mưu với Bộ GD-ĐT và lãnh đạo TP về những quy định để tổ chức quản lý hệ thống trường quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có chủ động tổ chức những trường quốc tế thuộc Nhà nước, cụ thể như Trường trung học quốc tế Việt Úc sử dụng chương trình và bằng cấp của Úc nhưng do Nhà nước tổ chức xây dựng và quản lý. Thông qua đó để có thể nắm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường quốc tế. Ngoài ra TP cũng tổ chức các trường dạy theo phương pháp quốc tế như THPT Lê Quý Đôn. Hiện nay chúng tôi cũng đang ủng hộ và giới thiệu để Bộ cấp phép những trường có sự hợp tác liên kết đào tạo. Sự khuyến khích liên kết quốc tế cũng là chủ trương của TP.

Bích Thanh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.