Làm sao phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long?

Lê Quân
Lê Quân
16/12/2021 21:16 GMT+7

Tìm ra phương kế phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long là tâm tư của các chuyên gia tại toạ đàm “Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 16.12.

Phát triển "thuận thiên": Khó khăn và thuận lợi

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung phân tích cụ thể về mô hình chuyển đổi, những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp tại ĐBSCL là khó khăn rất lớn

Đình tuyển

GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhìn nhận chủ trương thuận thiên (thuận với thiên nhiên), với Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất mạnh mẽ không chỉ cho ĐBSCL mà cho cả thế giới.

Bốn năm qua sau khi có Nghị quyết 120 thì các tỉnh cũng như các bộ, ngành có chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển ĐBSCL. Ông dẫn ví dụ trước đây mỗi người một kiểu, người dân tự phát làm, có khi trên cánh đồng lúa lớn lại có vườn na, ruộng xoài, nuôi cá… Nhưng khi có Nghị quyết 120, các tỉnh mạnh dạn cùng với bà con nông dân phát triển cây kỹ thuật, hệ thống canh tác.

Thời gian tới, Chính phủ cần triển khai quy hoạch cụ thể hơn, tiếp tục theo “thuận thiên”. Có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có, thay vì 3 vụ lúa vừa tốn kém nước ngọt hiếm hoi, thì có thể xem xét lựa chọn vùng phù hợp chuyển sang trồng xoài, hoặc cây phù hợp. Những cách làm đó tới đây các ngành cũng như bà con nông dân ngồi lại cùng với doanh nghiệp có đầu ra lớn bàn bạc để nghị quyết thành công hơn.

GS Võ Tòng Xuân cho hay, sau 3 năm triển khai nghị quyết, Chính phủ đã nêu ra "8G" để phát triển bền vững ĐBSCL. Đây là vấn đề quan trọng vì có thể cho thấy được toàn cảnh phát triển của vùng này, nhưng trước mắt có "3G" quan trọng nhất.

Đầu tiên là giao thông. Giao thông có thông suốt thì kinh tế mới phát triển. Bên cạnh đó là các vấn đề về giáo dục và gắn kết. Tại vùng ĐBSCL, đến nay vẫn có vùng trũng về giáo dục, phổ biến ở vùng sâu vùng xa, là trở ngại phát triển rất lớn. Còn về gắn kết, liên kết vùng với nhau có vai trò rất lớn, nhất là qua dịch Covid-19 này, nếu không gắn kết thì bà con nông dân rất khó khăn. Phải gắn kết người sản xuất với doanh nghiệp thì mới có kết quả tốt được.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT, cho biết ĐBSCL là vùng đồng bằng rất nhạy cảm với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Có 8 loại thiên tai lớn xảy ra ở vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Làm sao phát triển bền vững ĐBSCL là trăn trở của nhiều chuyên gia

VGP

Diễn biến của thiên tai và biến đổi khí hậu tác động rất sâu rộng đến mọi mặt đời sống của vùng này. Đồng thời, thiên tai, biến đổi khí hậu luôn diễn biến phức tạp, bất định.

Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn có nhiều thuận lợi. Đầu tiên là người dân và chính quyền ĐBSCL rất quyết liệt, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu và sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng rất lớn. ĐBSCL cũng còn rất nhiều dư địa để có thể đảm bảo được sinh kế cũng như an toàn.

Quyết liệt tìm giải pháp

Ông Trần Quang Hoài cho biết, Bộ NN-PTNT đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề "thuận thiên". Trước đây, tập trung cao cho cây lúa và bằng mọi cách phải có nước ngọt, và phải đã chi phí rất tốn kém.

Nhưng bây giờ, Bộ NN-PTNT đã chia thành 3 vùng: vùng nước ngọt gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng giữa là vùng nằm giữa vùng nước ngọt và vùng ven biển. Vùng ven biển có phương pháp sinh kế cho bà con theo quy hoạch của Bộ Bộ NN-PTNT. Ví dụ như mô hình tôm - lúa, tập trung cao cho việc nuôi tôm, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Hạn hán là khó khăn lớn tại nhiều địa phương ở ĐBSCL

Ngọc dương

Đối với phòng chống thiên tai là lấy con người làm trọng tâm và phải "thuận thiên", không thể bất kỳ chỗ nào cũng xây dựng công trình, bởi có những khu vực không thể xây dựng công trình được. Có những khu vực có thể kết hợp vừa xây dựng công trình, vừa phát triển kinh tế, ví dụ như trồng rừng ngập mặn ven biển…

Cũng theo ông Hoài, đối với xây dựng công trình, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng như Bộ NN-PTNT xác định xây dựng công trình phải phù hợp thực tiễn của khu vực ĐBSCL, phù hợp với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã có chương trình khoa học công nghệ chống thiên tai, trong đó có vấn đề về công trình phòng chống thiên tai cho ĐBSCL.

“Hiện nay, các địa phương đang tích cực trong việc gắn bảo đảm an toàn trong thiên tai với xây dựng nông thôn mới vì đây là những nội dung, những điểm sáng mà rất nhiều địa phương đã làm rất tốt như Đồng Tháp, Cà Mau đều là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của của thiên tai nhưng đời sống của người dân đều đang được nâng lên”, ông Hoài bày tỏ và cho hay, quan điểm về phát triển bền vững tại ĐBSCL hiện nay cũng là hiện thực hoá cho thông điệp “mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà Thủ tướng nêu ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.

GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, cho rằng ĐBSCL đang gặp khó khăn về nguồn nước mặn sạch nuôi trồng thuỷ sản. Nguyên nhân là nước cấp cho nuôi trồng thuỷ sản và nước thải vẫn sử dụng chung qua các kênh nên gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng thuỷ sản.

Thời gian tới, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải khắc phục tồn tại này. Đồng thời, nền sản xuất tại ĐBSCL vẫn là nhỏ lẻ. GS Thục cho rằng, tương lai cần giải quyết được vấn đề nước sạch, giống, đầu ra cho thuỷ sản. Trong đó, đáng lo vẫn là đầu ra, quá phụ thuộc vào thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.