Làm sao ngăn ngừa tự tử ở trẻ vị thành niên?

18/01/2022 04:09 GMT+7

Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa qua tiếp nhận một trẻ nam 13 tuổi, được phát hiện đã thắt cổ tự tử trong nhà tắm.

Bị giám sát khi chơi game tại nhà, một nam sinh 13 tuổi đã tự tử. Các bác sĩ lên tiếng báo động về tự tử ở trẻ vị thành niên và lưu ý cần tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, đặc biệt với lứa tuổi có nhiều xáo trộn tâm lý.

Lý do tưởng như đơn giản

Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa qua tiếp nhận một trẻ nam 13 tuổi, được phát hiện đã thắt cổ tự tử trong nhà tắm.

Trao đổi với các bác sĩ, người thân của trẻ đau xót kể lại: “Hôm camera được lắp xong, cháu có xin phép đi vào phòng tắm. Hơn 20 phút không thấy cháu ra, gọi không trả lời nên tôi mở cửa phòng và phát hiện sự việc đau lòng này”. Cũng theo chia sẻ của gia đình, trong đợt dịch Covid-19 nghỉ ở nhà, trẻ thường chơi game trên máy tính nên gia đình đã lắp camera trong phòng để theo dõi. Trẻ có tâm sự với các bạn rằng cảm thấy không thoải mái về chuyện này.

Trẻ vị thành niên cần được chia sẻ, hỗ trợ tâm lý để có thể đương đầu với những áp lực, biến cố trong cuộc sống

shutterstock

Theo TS-BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi T.Ư, trong câu chuyện trên, vì những lý do tưởng chừng rất đơn giản mà cháu đã hành động dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Trong thời gian vừa qua, khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã tiếp nhận một số trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến bạo lực gia đình và học đường. Một số bị phụ huynh đánh, bị bạn bè trêu chọc mà quyết định từ bỏ cuộc sống của mình.

Chưa biết cách nhận diện

TS-BS Ngô Anh Vinh lưu ý, tự tử ở trẻ vị thành niên nhiều năm gần đây luôn là vấn đề đáng báo động xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 ở các trẻ từ 15 - 19 tuổi trên thế giới. Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã từng công bố, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới.

Theo chuyên gia về sức khỏe vị thành niên, tại Việt Nam đây cũng là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng, trong lúc chúng ta chưa biết cách nhận diện và có các biện pháp phòng ngừa.

BS Vinh chia sẻ, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hành vi tự tử ở lứa tuổi này. Đây là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem đó là một cách giúp giải thoát khỏi những bế tắc. Ngoài ra, áp lực từ bản thân, gia đình cũng có thể khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Việc hiểu rõ những dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm cách giải quyết và ngăn ngừa kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ sau đây, cha mẹ cần chú ý, dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm: Trẻ luôn than thở buồn chán, cảm thấy mình tội lỗi xấu xa và vô dụng. Trẻ tự cô lập, từ chối tiếp xúc. Trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết. Cần chú ý khi thấy trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao…

BS Vinh lưu ý, vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý. Vì thế, với trẻ vị thành niên, các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét, đồng thời cần đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ.

Theo BS Vinh: “Việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố mẹ lo lắng về con mình, hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý”.

Không áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí hợp lý, cân bằng cho trẻ.

Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội.

Dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những áp lực, biến cố trong cuộc sống.

Về phía nhà trường, cần tạo môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên.

Tự tử ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Ngay bây giờ, rất cần sự chung tay xây dựng của gia đình, nhà trường và xã hội để cuộc sống của các em được an toàn, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn.

TS-BS Ngô Anh Vinh (Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi T.Ư)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.