Làm sao để phát thải ròng bằng 0?

Lê Quân
Lê Quân
28/06/2022 13:36 GMT+7

Đây là nỗi trăn trở chung của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn năm 2022 với chủ đề “Phát thải ròng bằng “0” - từ cam kết đến hành động” do Bộ TN-MT tổ chức ngày 28.6

Phát biểu Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm nhưng do bận công tác đặc biệt không thể trực tiếp tham dự nhưng có gửi tới một số thông điệp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng kép, phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng

lê quân

Cụ thể, để vượt qua các khủng hoảng mang tính toàn cầu cần có sự chung tay, đoàn kết, chia sẻ và cùng hành động vì mục tiêu chung. Tương tự, để chuyển hóa các cam kết thành hành động trong giảm phát thải khí các-bon, cần thống nhất trong tư duy và hành động của tất cả các bên liên quan. Mục tiêu phát thải ròng bằng “0” phải là mục tiêu thống nhất, tiêu chí để đầu tư, phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia cũng như với các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là trong chuyển giao, chia sẻ kiến thức, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ. Do đó, việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm về quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với các nước đang phát triển với nguồn lực và trình độ phát triển còn hạn chế.

Một thông điệp nữa của Thủ tướng là chính sách có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Cuối cùng, cần có sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có một nền kinh tế tuần hoàn, một xã hội tuần hoàn.

Nhân loại đang đối mặt với khủng hoảng kép

Chia sẻ quan điểm của mình tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Tại Hội nghị COP26, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, trong đó, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Cụ thể, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn, thảo luận về giải pháp làm sao đưa phát thải ròng bằng 0

lê quân

Cần cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế…

Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.

Cần có lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Tập trung phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng: tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.