Làm sao để leo núi an toàn, không bị rơi xuống vực sâu?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
04/05/2022 09:27 GMT+7

Từ câu chuyện người phụ nữ may mắn thoát chết khi bị rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử, nhiều người trẻ thích thám hiểm quan tâm đến vấn đề leo núi an toàn.

Như Thanh Niên đã đưa tin, vào ngày 3.5, các nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phát hiện và cứu sống người phụ nữ rơi xuống vực sâu 30 m tại khu vực chùa Đồng thuộc núi Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) và bị mắc kẹt lại suốt 7 ngày. Qua câu chuyện này, các bạn trẻ có niềm đam mê với leo núi cho rằng “làm sao để an toàn khi leo núi?” là một vấn đề cần được đặt ra ngay lúc này.

Lời kể của người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử rồi mắc kẹt 7 ngày

Chị Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi, hiện đang làm kế toán tại Q.1, TP.HCM) chia sẻ: "Mọi người tham gia “trekking” (hoạt động du lịch dã ngoại) hay leo núi phải luôn chuẩn bị tinh thần và tự trang bị kỹ năng cơ bản nhất để khi có gì đó xảy ra bất ngờ để có thể bình tĩnh giải quyết”, chị Xuân nói.

Chị Xuân chọn leo núi là thú vui cuối tuần

nvcc

Phải có một sức bền thật tốt

Tính đến nay, chị Xuân đã chinh phục nhiều đỉnh núi ở Việt Nam như Bà Đen, Chứa Chan, Đá Bia, núi Dinh, Thị Vải, Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn, Lảo Thẩn.

Để có hành trình leo núi hoàn hảo, theo chị Xuân, mọi người cần hạn chế đi lúc thời tiết bão.

“Giày, nước uống, thức ăn nhẹ là những thứ không thể thiếu cho một hành trình leo núi. Chúng ta cần mang theo 1 chút đường để phòng những lúc tụt đường và trang phục cần gọn nhẹ, co giãn, thấm mồ hôi tốt...", chị Xuân chia sẻ.

“Khi leo núi chúng ta cần phải có một sức bền thật tốt, cần giữ một tinh thần thoải mái. Leo núi, đi rừng thì bạn tuyệt đối không nên đi một mình vì sẽ rất nguy hiểm cho bản thân. Bạn cũng cần tự trang bị những kỹ năng y tế cơ bản nhất. Nếu lạc đường thì chúng ta phải giữ bình tĩnh và nếu thấy con đường mình đi rất lạ thì nên dừng lại không nên đi tiếp", chị Xuân nói thêm.

Cần giữ bình tĩnh khi đi lạc

nvcc

Không nên đi một mình khi chưa am hiểu gì về ngọn núi

Còn anh Chung Quốc Thành (quê Tây Ninh) cũng đã chinh phục nhiều ngọn núi ở Việt Nam như Bà Đen, Chứa Chan, Núi Cấm, Fansipan, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn.

Anh Thành cho hay muốn leo núi một mình thì phải trang bị cho bản thân đầy đủ kiến thức; sức khoẻ, sự bền bỉ, khả năng xử lý tình huống; cùng các kỹ năng leo núi, sơ cấp cứu, thuộc đường đi, địa hình. "Bạn không nên đi một mình khi chưa am hiểu gì về ngọn núi đó", anh Thành nhấn mạnh.

Theo anh Thành, người leo núi cần am hiểu địa hình ngọn núi mình chuẩn bị khám phá

nvcc

"Để an toàn, không bị rơi vực sâu khi leo núi, mọi người cần lưu ý: Phải thông thạo đường đi, còn nếu không thì đi chậm, quan sát kỹ, nhất là không nên dẫm chân lên những nơi có lá rụng và cây phủ um tùm vì đó có thể là vực sâu nguy hiểm. Nếu điện thoại còn pin và có sóng điện thoại thì bạn nên gọi ngay cho đồng đội hoặc những người chuyên leo núi hay bất kỳ số điện thoại nào có thể giúp đỡ, tuyệt đối không di chuyển, hãy kiên nhẫn ở đó chờ người đến cứu trợ, phát tín hiệu bằng âm thanh hay khói", anh Thành nói.

Anh Thành nhấn mạnh: "Dù đi rừng hay đi núi thì chúng ta cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức về kỹ năng sinh tồn trước khi hành trình diễn ra".

“Trường hợp điện thoại không có sóng hoặc hết pin thì bạn phải hết sức bình tĩnh, kiểm tra lượng thức ăn và nước uống dự trữ có thể dùng trong bao lâu; bắt đầu tìm cách để quay trở lại nơi bắt đầu; quan sát đường mòn, lối đi; xác định phương hướng ban đầu và theo nó mà đi. Tuy nhiên, nếu lạc buổi tối thì bạn không nên di chuyển, tuyệt đối không nên đi tiếp khi mình không nắm rõ đường đi, mà hãy tìm nơi trú ẩn an toàn; thắp lửa đề phòng thú dữ...”, chàng trai quê Tây ninh chia sẻ.

Anh Gôn râu luôn khuyên du khách của mình phải đem theo ba thứ nước, bật lửa và lương khô trong chuyến leo núi

nvcc

Bên cạnh đó, anh Vũ Nguyễn Quốc Quang (hay còn gọi là Gôn râu, điều hành đơn vị lữ hành Gontrekkingtravel, chuyên tổ chức tour leo núi, cắm trại và phượt xe máy ở vùng Tây - Đông Bắc, Việt Nam) cho hay một khi đã leo núi qua những khu vực nguy hiểm thì người tham gia phải quan sát thật kỹ địa hình nơi đó và phải cẩn trọng với từng bước đi của mình...

"Với những trường hợp quá nguy hiểm hoặc không tự mình qua được thì nên nhờ sự trợ giúp của người dân bản địa hoặc trưởng đoàn... tránh trường hợp leo núi một mình", anh Quang nói.

Đoàn anh Gôn râu đi "săn" mây

nvcc

"Tôi hay khuyên các bạn có 3 thứ luôn luôn phải mang theo mình khi đi vào rừng hoặc leo núi, đó là: nước, bật lửa và ít lương thực khô hoặc hạt khô... Nếu bạn không may lạc mất đoàn hoặc đi lạc trong rừng thì hãy bình tĩnh, tìm lối đường mòn rõ nhất. Nếu bạn nhận thấy mình đi quá xa thì hãy cố gắng đốt lửa sưởi ấm cơ thể và tạo ra những tín hiệu cầu cứu phù hợp nhất với địa hình", anh Quang cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.