Làm sao để lễ hội đúng bản chất, đúng bản sắc văn hóa dân tộc?

09/12/2023 06:37 GMT+7

Ngày 8.12, Báo Thanh Niên kết hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức tọa đàm chủ đề Văn hóa trong các lễ hội.

Tham gia tọa đàm có ông Lương Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL); ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT Hà Nội); bà Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, Ủy viên Hội đồng Văn hóa quốc gia.

"Lễ hội không đứng im"

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh: Nghị định 110 của Chính phủ năm 2018 được ban hành khiến công tác tổ chức lễ hội có bước chuyển mình lớn. Với 4 chương, 24 điều, Nghị định 110 đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng đến cấp ủy, chính quyền các cấp về mục đích, ý nghĩa trong công tác tổ chức lễ hội. Từ nhận thức đó, hành động thực hiện sẽ đúng đắn.

Làm sao để lễ hội đúng bản chất, đúng bản sắc văn hóa dân tộc? - Ảnh 1.

Nhà báo Bùi Quang Duẩn (bìa phải), Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm

NGỌC THẮNG

"VN là đất nước có nhiều lễ hội. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mỗi người dân luôn có những hình thức tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với đất nước. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt cộng đồng để tưởng nhớ những công tích đó", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, do là một hình thức sinh hoạt cộng đồng nên việc phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương giúp công tác tổ chức, quản lý lễ hội chủ động, đổi mới, đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi đó, bà Lê Thị Minh Lý nhận định: "Lễ hội không đứng im. Lễ hội là văn hóa, là di sản phi vật thể. Nó liên quan đến con người, nhu cầu, bối cảnh, môi trường, sự phát triển của xã hội, nên sẽ thay đổi. Chúng ta luôn phải xem có làm được điều gì nữa để lễ hội tốt hơn hay không". Bà Lý cho rằng cần có một báo cáo để đánh giá các lễ hội góp phần cho sự phát triển văn hóa như thế nào, vai trò với cộng đồng ra sao, giáo dục thế hệ trẻ như thế nào để đưa ra định hướng cho những lễ hội đó.

Số hóa lễ hội

Bên cạnh những giá trị, kết quả tích cực đạt được, thực tế là vẫn còn tình trạng méo mó trong tổ chức lễ hội; còn mê tín dị đoan, tổ chức lãng phí, tốn kém, đi ngược lại giá trị văn hóa của dân tộc.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, cần phải có sự chuẩn bị, kịch bản từ sớm để tránh được những hạn chế đáng tiếc xảy ra trong lễ hội. "Mặc dù còn 2 tháng nữa mới bắt đầu mùa lễ hội năm 2024 nhưng chúng tôi đã tham mưu cho Sở VH-TT Hà Nội, UBND TP.Hà Nội về công tác, hoạt động. Đồng thời, chuẩn bị các kế hoạch, tập huấn, sẵn sàng cho mùa lễ hội để làm sao người dân, du khách có mùa lễ hội vui vẻ, an toàn, lành mạnh", ông Hoàng tiết lộ.

Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển, để công tác quản lý lễ hội được tốt hơn, ông Lương Đức Thắng cho biết vừa qua Cục Văn hóa cơ sở đã trình đề án về "số hóa lễ hội" nhằm đổi mới phương thức quản lý hiệu quả nhất, từng bước thực hiện đầy đủ thống kê, đánh giá công tác quản lý, quản trị của địa phương, làm rõ bản chất của từng lễ hội; giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về bản chất từng loại hình lễ hội, có kiến thức, hành trang khi tham gia vào lễ hội.

Theo Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cần nâng cao nhận thức chính quyền cấp ủy các cấp trong việc quản lý, điều hành lễ hội; nêu cao tinh thần của người đứng đầu cấp ủy địa phương, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với những khó khăn, thách thức, dám đổi mới, giải quyết những vấn đề khó. Đồng thời, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, xã hội trước một vấn đề.

"Ngay từ trong gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, chúng ta phải có một nhận thức chung, đầy đủ về vai trò, mục đích của lễ hội để làm sao đi lễ, hành lễ đúng bản chất, bản sắc văn hóa dân tộc", ông Thắng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.