Làm sao để kéo con khỏi nhóm bạn chưa ngoan?

19/11/2016 09:01 GMT+7

Làm sao để phân biệt con mình đang chơi cùng nhóm bạn tiêu cực hay tích cực? Lỡ con đang bị những bạn bè rủ rê, dẫn dụ làm những việc không tốt thì phải làm thế nào?

Không phải phụ huynh nào cũng tự tìm được câu trả lời những vấn đề này.
Ở bên con để hiểu bạn của con
Bà T., phụ huynh có con là một trong những thành viên của nhóm hành hung nữ sinh 15 tuổi tại xã Phú Xuân (H.Nhà Bè, TP.HCM) gây xôn xao dư luận vừa qua, tâm sự: “Khi thấy con gia nhập nhóm bạn tiêu cực, tôi đã buồn và khóc rất nhiều, nhưng không biết phải làm sao”.
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Thảo, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, cho rằng trong tình huống này, việc cấm cản trẻ chơi theo nhóm bạn là điều không khả thi. Trẻ có nhu cầu lớn được giao lưu với bạn bè đồng trang lứa, nếu cấm chơi mà không rõ lý do thì rất dễ làm trẻ bị ức chế và có những hành động bộc phát. Để tách trẻ rời xa những bạn chưa tốt, ba mẹ đóng vai trò như một người bạn lớn để trẻ cảm thấy thoải mái trong môi trường mới.

Thực tế, có không ít nhóm bạn chơi cùng nhau, chia sẻ cho nhau những buồn vui cuộc sống, giúp đỡ nhau học tập tốt hơn. Vậy làm thế nào để phụ huynh nhận ra đâu là “nhóm bạn tích cực” và “nhóm bạn tiêu cực” mà đưa ra lời khuyên phù hợp cho con?
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, cho rằng rất khó phân biệt hai nhóm bạn này. “Thật sự thì ai cũng mong con mình là người tốt, thành công trong cuộc sống. Muốn con mình có nhóm bạn tốt thì ba mẹ cũng nên tìm hiểu về bạn của con. Hãy ở bên con để hiểu nhóm bạn của con”, ông Bình nói.
Thật sự thì ai cũng mong con mình là người tốt, thành công trong cuộc sống. Muốn con mình có nhóm bạn tốt thì ba mẹ cũng nên tìm hiểu về bạn của con. Hãy ở bên con để hiểu nhóm bạn của con
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình
Còn thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, khuyên cha mẹ thường quen cách đối xử áp đặt, ra lệnh hơn là giải thích đúng sai, trong khi các em lại thường thích chứng tỏ sự độc lập của bản thân. Đây chính là một trong những lý do vì sao thiếu niên thường thích chơi với bạn, tâm sự với bạn hơn là với gia đình.
“Phụ huynh không nên vơ đũa cả nắm khi cho rằng các nhóm bạn của con đều không tốt, đôi khi một nhóm hoạt động hiệu quả có thể thay đổi tính cách bốc đồng của một cá nhân nào đó. Vì vậy, để biết và nắm bắt tâm lý của con, xem con đang chơi với nhóm bạn tích cực hay tiêu cực, phụ huynh nên quan sát con qua các kênh mạng xã hội, hay liên kết, giữ liên lạc với bạn bè của con. Nhưng nên nhớ rằng, hãy tạo một mối quan tâm thân tình, chứ không nên yêu cầu bạn bè của con thay mình giám sát, quản lý, rất dễ gây tác dụng ngược”, ông An nói.

tin liên quan

Cảnh giác với học làm giàu siêu tốc
'Chúng tôi giúp bạn tạo được dòng tiền lớn ngay cả khi đang mắc nợ, giúp bạn có được khối tài sản khổng lồ bằng cách tiết kiệm 10% thu nhập... Đăng ký ngay để gia nhập vào nhóm 5% người giàu của nhân loại'.

Cảm hóa trẻ chưa ngoan
Cũng theo các chuyên gia, với những đứa trẻ quậy phá, chơi bời, lập nhóm bạn hoạt động một cách tiêu cực, thì phải uốn nắn bằng cách giúp trẻ nhận ra những sai phạm của mình thì mới hy vọng có những thay đổi theo hướng tích cực và điều chỉnh hành vi phù hợp với chuẩn mực chung từ phía xã hội.
Bà Thảo cũng nhận định, phần lớn những đứa trẻ quậy phá thường bị thiếu hụt lớn tình cảm gia đình. Trẻ sẽ có nhu cầu tìm kiếm niềm vui bên ngoài, chính điều này đẩy trẻ đến với cám dỗ.
“Với nhóm trẻ đang có những dấu hiệu chưa ngoan thì cần được hướng dẫn khuyên răn để các em nhận thức được hành vi của mình, từ đó điều chỉnh thái độ và hành động. Để thực hiện điều này không chỉ trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình kiên nhẫn từ phía nhà trường, có một sự kết hợp tác động để giúp trẻ tìm được hướng đi của mình”, bà Thảo nói thêm.

Chuyên gia Huỳnh Anh Bình đưa ra lời khuyên: “Sẽ thật hoài phí tuổi trẻ, sức khỏe và thời gian cho việc kết bè nhóm chỉ để “bảo kê” hay đi gây hấn với những người hay nhóm khác. Cần tự đặt câu hỏi cho bản thân: mình giao lưu với những người này, mình sẽ học hỏi được điều gì? Và những người trong nhóm đó có tính cách như thế nào?... Tuy nhiên, không nên tỏ ra quá kỳ thị hay dè bỉu bất kỳ ai, hãy có những lời từ chối nhẹ nhàng và duy trì ở mức độ xã giao khi nhận được lời mời vào các nhóm mà chính các em không muốn”.

tin liên quan

Cho con học đàn guitar: Chưa ‘lỗi mốt’!
Dù piano đang là trào lưu, nhưng do giá rẻ, dễ di chuyển, dễ chơi… nên việc cho con em đi học đàn guitar của phụ huynh các thành phố vẫn chưa 'lỗi mốt'.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.