Làm sao để đóng tài khoản, thẻ khi chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước?

Mai Phương
Mai Phương
20/03/2024 09:11 GMT+7

Nhiều khách hàng đi đóng tài khoản, thẻ tín dụng sau vụ một cá nhân bị thông báo nợ lên đến 8,8 tỉ đồng sau 11 năm nhưng không thực hiện được.

Làn sóng đóng tài khoản, thẻ tín dụng tại các ngân hàng vẫn đang diễn ra sau thông tin một cá nhân nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng sau 11 năm lên đến 8,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số khách hàng không thể thực hiện được do bị sai chứng minh nhân dân với căn cước công dân.

Làm sao để đóng tài khoản, thẻ khi chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước?- Ảnh 1.

Khách hàng cũng gặp khó khăn khi đóng tài khoản cũ do chuyển đổi chứng minh nhân dân

NGỌC THỊNH

Cụ thể, chị P.M.C (Quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết, hôm qua, chị ra phòng giao dịch ngân hàng Eximbank để đóng tài khoản đã lâu không sử dụng thì không được. Đây là số tài khoản cách đây 9 năm khi còn làm ở công ty cũ được đăng ký để nhận lương (kèm thẻ ATM). Khi đó, tài khoản được đăng ký bằng số chứng minh nhân dân (CMND) cũ. Sau đó, chị chuyển sang công ty khác nên tài khoản Eximbank cũng không sử dụng và quên luôn. 

Đến nay, chị đã qua một lần đổi số chứng minh nhân dân mới vì chuyển đổi hộ khẩu từ tỉnh vào TP.HCM. Sau đó chuyển sang căn cước công dân (CCCD). Nhưng CCCD hiện tại không thể hiện được số chứng minh nhân dân đã lâu và chị cũng không còn giấy tờ nào chứng minh việc chuyển đổi này. 

"Mình chỉ nhớ số CMND cũ đọc cho nhân viên giao dịch thì họ bảo là vẫn còn số tài khoản. Nhưng họ không cung cấp gì thêm vì mình không cung cấp được giấy tờ sở hữu CMND cũ. CMND 1 (đăng ký Exim) -> CMND 2 -> CCCD. Mà CCCD chỉ thể hiện số CMND 2, không thể hiện CMND 1. Khi kiểm tra bằng tin nhắn qua tổng đài 8149 thì lại báo khách hàng chưa đăng ký. Vậy giờ làm sao?", chị P.M.C nói.

Sau khi chị P.M.C than thở trên trang cá nhân, có bạn gợi ý cần phải ra công an làm lại giấy xác nhận chuyển đổi từ số chứng minh nhân dân lần đầu sang chứng minh nhân dân lần hai và hiện tại là CCCD. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì sẽ mất nhiều thời gian nên chị chưa làm được. Đó là chưa kể khi chị không nhận lương qua tài khoản Eximbank thì vẫn còn 300.000 đồng nhưng đến nay cũng đã bị trừ phí và còn nợ ngân hàng.

Chị M.Ngọc (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự nhưng khi ra một phòng giao dịch của Eximbank nhưng vẫn được giải quyết đóng tài khoản ngân hàng đã lâu không sử dụng sau khi đã điền phiếu thay đổi thông tin...

Chia sẻ với người viết, trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng lớn tại TP.HCM cho rằng quy trình quản lý tài khoản tùy thuộc vào từng ngân hàng. Hay nói cách khác là cách xử lý tùy thuộc vào từng nhà băng và thậm chí từng phòng giao dịch cũng khác nhau. Ví dụ, trong trường hợp của chị P.M.C, đối với phòng giao dịch của ông, hướng giải quyết cũng không quá phức tạp. Đó là nếu khách hàng có một giấy tờ khác, ví dụ như hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội... có gắn số CMND cũ thì đã đủ chứng minh là đúng khách hàng này. Thậm chí, có thể giải quyết linh động khi so sánh chữ ký mẫu trên tài khoản của khách hàng với đơn đề nghị đóng tài khoản là được vì tài khoản thanh toán thông thường đã hết tiền, ngưng sử dụng từ lâu ...

Theo Điều 18 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19.8.2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định về việc đóng tài khoản thanh toán như sau: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản và chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán. 

Thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài; thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp này do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.