Làm sao để dẹp những YouTuber cuồng loạn livestream bất chấp để câu view?

12/12/2020 12:26 GMT+7

Tôi không biết liệu bạn có rơi vào trạng thái ngao ngán, tức giận, hoặc cuồng nộ khi chứng kiến cảnh đám đông hùa nhau, thi nhau livestream (phát trực tiếp), bấm máy tách tách trước các sự kiện buồn đau ngày ai đó vừa lìa đời?

Riêng tôi, tôi thường xuyên rơi vào tình trạng không mấy dễ chịu khi chứng kiến những điều như vậy. Một biểu hiện vô văn hóa, kệch cỡm đang làm bầu không khí vốn không mấy trong trẻo trên không gian mạng hiện nay càng thêm vấy bẩn.
Mấy ngày nay, trên các mặt báo và mạng xã hộinhững lời thương tiếc dành cho cố nghệ sĩ Chí Tài. Tôi có một thắc mắc. Câu hỏi của tôi liên quan đến những cái view tiêu cực đến những gì chúng ta có thể và không thể thay đổi, làm khác đi tình hình? Luật pháp liệu có đủ mạnh để răn đe?

Phản cảm cảnh chen lấn để livestream trước nơi đặt thi linh cữu nghệ sĩ Chí Tài

MXH

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều nghịch lý chứ chẳng phải chỉ có chuyện livestream thiếu chuẩn mực, vô đạo đức và vi phạm quyền riêng tư.
Đây là một số câu hỏi, hay được gióng lên và hỏi đi hỏi lại, mỗi dịp có một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó qua đời: Làm sao để dẹp đám đông cuồng loạn đang bất chấp câu view với các hành vi lệch chuẩn kia? Đến bao giờ thì cái chết của những người nổi tiếng mới thôi trở thành miếng mồi, nội dung của các đoạn livestream đang xuất hiện trên mạng xã hội ngày càng dày đặc? Vì sao đám đông cứ mãi tranh nhau sứt đầu mẻ trán để phát tán những hình ảnh kia? Vì sự thiếu hiểu biết, sự lệch chuẩn văn hóa hay do lòng tham và lợi nhuận thu về cho những kẻ gian manh?
Ngăn chặn, dẹp đi và khắc phục các điều chưa đẹp đáng lo ngại này là một đòi hỏi, yêu cầu cấp bách cả về khía cạnh luật pháp lẫn đạo đức và quy chuẩn xã hội. Nó là một bổn phận đạo đức. Nó cũng là một nhu cầu, vấn đề cấp thiết về mặt quản lý xã hội. Vì hơn bao giờ hết, nếu trào lưu méo mó này cứ mãi tiếp diễn sẽ không chỉ gây ức chế cho người xem, gia đình người đã mất mà tệ hại hơn gây ra tác động xấu đến văn hóa, an ninh trật tự của xã hội.
Tôi đã từng theo học và có thời gian sinh sống ở một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, và của Úc. Đối với các sinh viên quốc tế, các buổi sinh hoạt đầu năm là rất cần thiết và quan trọng. Kết thúc phần này, chúng tôi được người phụ trách đưa cho 1 tờ cam kết gọi là consent form. Khi ký vào đó, nghĩa là chúng tôi cho phép nhà trường có quyền dùng hình ảnh của mình trong các hoạt động, sinh hoạt ở trường dùng vào việc quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu của trường. Cá nhân tôi thấy, điều này, họ làm rất bài bản và chuyên nghiệp.
Chưa cần bàn sâu, truy xét về động cơ, nhưng chắc chắn rằng, không một ai trong chúng ta chấp nhận việc hình ảnh riêng tư, nhất là liên quan đến chết chóc, đám tang buồn đau lên các trang báo, mạng xã hội. Tệ hại hơn là việc lợi dụng người đã khuất để đạt mục đích cá nhân, hay để trục lợi, kiếm tiền đi ngược lại với luân thường đạo đức. Gia đình người đã mất, chưa đủ khổ hay sao mà đám đông còn gây thêm những nỗi bực, nỗi đau đầy bất nhẫn như thế?
Những nền tảng truyền thông phổ biến hiện nay như Facebook, YouTube nói rằng, bản thân họ chỉ đơn thuần là những nền tảng công nghệ, là những kênh tổng hợp tin tức với mục đích gắn kết mọi người với nhau. Họ chối bỏ vai trò như một nhà xuất bản, như một cơ quan truyền thông. Dù vậy, ai cũng hiểu, nhờ vào các thuật toán, các nền tảng này đã can thiệp việc lựa chọn đưa ra nội dung thông tin mà họ muốn lan tỏa đến cá nhân người tiếp cận.
Câu hỏi đặt ra, người ta thường chia sẻ thông tin cá nhân nào lên mạng? Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận những gì trong núi thông tin được đưa lên mạng?
Theo nguồn báo cáo số năm 2020 của báo cáo thường niên về hiện trạng số hóa toàn cầu, lượng kết nối mạng điện thoại di động tại Việt Nam vào khoảng 150% dân số với gần 65 triệu người dùng các mạng xã hội (67%) trên tổng số gần 97 triệu dân của cả nước. Kể từ khi Việt Nam chính thức ghi tên mình lên bản đồ Internet toàn cầu năm 1997, chúng ta đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Đông đảo người dân vẫn đang lần bước dò dẫm trong việc tiếp cận càng gần hơn trong môi trường số mới mẻ cũng như việc tham gia các mạng xã hội.
Ở đời nhiều chuyện lạ. Tại Việt Nam, cũng có nhiều đám đông có tính cách rất lạ.
Xin trích dẫn lại một chi tiết của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Tư cách mõ: “Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục. Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả”.
Tôi biết, bạn cũng đang sở hữu một điện thoại thông minh và dường như nó đã trở thành vật bất ly thân với bạn ngay lúc đọc những dòng này. Hãy định hình lại xem, ngoài Facebook, bạn có có thêm bao nhiêu tài khoản mạng xã hội khác nữa? Hãy nhớ lại xem, mỗi ngày bạn thường tiếp cận thông tin từ những nguồn nào? Thói quen tiếp cận, đón nhận thông tin của bạn ra sao?
Và mỗi ngày, khi chứng kiến bao câu chuyện được miêu tả qua báo chí, nhìn những người đang chen nhau sứt đầu mẻ trán ôm đồm theo những điện thoại thông minh livestream ở đám tang, tôi thấy lo lắm. Chúng ta đang đứng ở đâu trong hành trình kiến tạo lại một thứ phong văn hóa méo mó cần sớm loại bỏ? Xã hội vào cuộc còn kịp không? Bạn có gợi ý gì về những lối ra?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.