Làm rõ vì sao các tỉnh chuyển nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết lên TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
30/06/2022 13:40 GMT+7

Hiện TP.HCM đang điều trị 580 ca sốt xuất huyết, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về (chiếm 48%). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu làm rõ vì sao các tỉnh chuyển bệnh nhân lên TP.HCM nhiều.

Sáng 30.6, đoàn công tác do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đã kiểm tra và làm việc tại TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Phó Thủ tướng sau khi đi thực tế tại Q.8 thì đã kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và làm việc với Sở Y tế, UBND TP.HCM.

TP.HCM có số ca sốt xuất huyết nhiều nhất phía Nam

Theo báo cáo của TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 29.6, TP.HCM đã có 20.952 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca); tăng 71,7% so với số mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 (12.197 ca).

Hiện TP đang điều trị 580 ca, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về (chiếm 48%). Trong số này có 237 người lớn và 343 trẻ em. Có 92 ca nặng (17 ca thở máy).

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn và trẻ em

NHẬT THỊNH

TP.HCM cũng đã có 10 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó nhiều nhất là H.Củ Chi (3 ca), H.Bình Chánh (2 ca), Q.Bình Tân (2 ca), H.Hóc Môn (1 ca), Q.11 (1 ca), TP.Thủ Đức (1 ca). Số ca tử vong trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca) và tăng 8 ca so với trung bình giai đoạn 2016 – 2020.

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM cũng đã có 1.111 ổ dịch

Các quận, huyện có ca mắc sốt xuất cao là Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, Q.12, H.Hóc Môn, T.Thủ Đức, H.Củ Chi, Q.Tân Phú

Các quận, huyện có số ca mắc/100.000 dân cao, gồm: Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, H.Củ Chi, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh và Q.12

TP.HCM cũng đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế và (hiện giờ Nghị định 117/2020) đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh của y tế. Từ năm 2015 đến nay, TP đã có 1.547 quyết định xử phạt được ban hành. Riêng trong năm 2022, tính đến ngày 23.6, toàn thành phố có 9 quyết định được ban hành và sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử phạt trong thời gian tới nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành để phát sinh lăng quăng, muỗi sau khi đã được hướng dẫn.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cảnh báo, các quận, huyện trên sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch sốt xuất huyết nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ.

Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, tính từ đầu năm đến nay đã có 77.000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 11% so với 2019) và 42 ca tử vong, tăng 6 lần so với cùng kỳ 2021 (7 ca), tăng 7 lần so với năm 2019 (6 ca). Trong đó có 24/42 là trẻ từ 15 tuổi trở xuống.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, phân bố ca mắc sốt xuất huyết theo tỉnh thành cho thấy TP.HCM có số ca mắc, tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Kết quả phân lập tuýp huyết thanh gây bệnh cho thấy tuýp D1, D2 đang chiếm ưu thế, nhưng D2 đang gia tăng. D2 gia tăng thì dự báo số ca mắc và nặng, tử vong cũng gia tăng.

Về tồn tại, Sở Y tế cho rằng, công tác dự phòng diệt muỗi, diệt lăng quăng chưa thực sự trở thành nhận thức và hành động của người dân, ngay cả tại chính quyền địa phương, các sở, ban ngành. Hình thức xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết chưa thực sự phát huy hiệu quả (không xử phạt hoặc khó xử phạt). Công tác truyền thông chưa phát huy hiệu quả.

Những việc cần làm để hạn chế tử vong

Rút kinh nghiệm từ 3 ca chuyển viện từ Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đến Bệnh viện Chợ Rẫy đều tử vong, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thêm rằng, TP tập trung vào nhóm nguy cơ diễn tiến nặng cần được tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị gồm phụ nữ mang thai, trẻ em bị béo phì.

Chiếc ly nhựa chứa đầy lăng quăng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết khu vực đường ray xe lửa khu vực Q.Phú Nhuận

DUY TÍNH

Tập huấn cho tuyến y tế cơ sở những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng. Trong đó, tăng cường năng lực điều trị tại chỗ, hội chẩn từ xa, áp dụng quy trình báo động đỏ liên viện, hạn chế chuyển viện không an toàn. Sở Y tế còn phân tuyến điều trị, nâng cao năng lực hồi sức cơ bản cho bệnh viện quận, huyện và chuyên sâu cho các bệnh viện tuyến cuối. Ngoài ra, nhóm các cơ sở y tế cần được quan tâm trong công tác phát hiện, xử trí là các phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân…

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác dự phòng, truyền thông.

Các tỉnh phải điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng sốt xuất huyết thì năm nào cũng có. Vậy trách nhiệm của Sở Y tế là hàng năm tham mưu cho Ban chỉ đạo kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo mùa.

Với sốt xuất huyết, bệnh có vật chủ trung gian là muỗi truyền bệnh. Về dự phòng, muốn cắt đứt dịch thì phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, người dân ngủ mùng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

NHẬT THỊNH

Về điều trị, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tuyến điều trị sốt xuất huyết rõ ràng, theo đó sốt xuất huyết độ 1, 2 thì tuyến huyện điều trị được. Cả nước chỉ có 3 tỉnh có Bệnh viện nhiệt đới, các tỉnh khác thì bệnh viện tỉnh có khoa nhiệt đới, do đó các khoa này phải chịu trách nhiệm thu dung bệnh nhân từ độ 3 trở lên. Ngày mai Bộ có sẽ văn bản chấn chỉnh việc này.

“Phòng chống sốt xuất huyết cũng giống như Covid-19, đó là phát huy 4 tại chỗ, nếu đưa lên TP có nguy cơ lây chéo. Nhưng có thực trạng tuyến dưới chuyển lên trên, thực tế là 1 nửa bệnh nhân sốt xuất huyết ở TP.HCM là các tỉnh chuyển lên. Do đó, cần áp dụng CNTT hội chẩn từ xa nếu không TP.HCM sẽ quá tải”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói và cho biết thêm rằng: SXH có nguy cơ tụt huyết áp, nên các bệnh viện chuẩn bị đủ dịch truyền, nhiều máu để cấp cứu khi bệnh nhân nặng. Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn TP để làm tốt công tác phối hợp điều trị, kể cả cơ sở y tế Trung ương.

Vì sao các tỉnh chuyển bệnh sốt xuất huyết lên TP.HCM?

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và tăng cao, dù chưa đến đỉnh mà số ca đã vượt số năm trước. Do đó, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng thì dứt khoát không chỉ ra quân 1 đợt mà làm liên tục, phải kìm sốt xuất huyết xuống. Bởi vì, trong số bệnh nhân mắc sẽ có số ca nặng và tử vong, năm nay tử vong lại nhiều.

Phó thủ tướng đặt vấn đề, lý do làm sao bệnh viện các tỉnh chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết đến TP.HCM? Phải chăng lý do thiếu thuốc và vật tư? Nếu thiếu thuốc và vật tư y tế thì phải nhìn đúng sự thật và có giải pháp cấp bách, vì bà con bệnh là không đợi được. Còn sửa thông tư, quy định là giải dài hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động người dân diệt lăng quăng, muỗi phòng chống sốt xuất huyết và thực hiện phòng chống Covid-19. Chính quyền phải giải thích một cách khoa học những thắc mắc của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.