Làm rõ trước khi tăng giá điện

19/04/2023 05:04 GMT+7

Năm 2013, dư luận dậy sóng khi ngành điện tăng giá bán liên tục với lý do thua lỗ. Chỉ đến khi thanh tra vào cuộc mới lòi ra nhiều khoản chi phí bất hợp lý như mua ô tô, xây dựng biệt thự, sân tennis... cũng được tính vào giá bán điện.

10 năm sau, năm 2023, thị trường lại "bổ ngửa" trước con số lỗ khổng lồ của ngành điện và đề nghị tăng giá của ngành này.

Cụ thể, năm 2022, Tập đoàn điện lực VN (EVN) lỗ hơn 26.000 tỉ đồng do chi phí đầu vào tăng cao và khoản lỗ này sẽ tăng cấp số nhân nếu không được tăng giá bán điện. Lỗ thì tăng giá là hợp lý, nhưng nhìn vào cơ cấu hiện tại, giá điện vẫn đang gánh nhiều chi phí không hợp lý. Đơn cử giá điện đang kiêm cả nhiệm vụ an sinh xã hội thông qua việc bán cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp cũng như bù giá cho vùng sâu, vùng xa ở 2 bậc đầu tiên trong biểu giá điện sinh hoạt. Phải khẳng định, chính sách này là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Thế nhưng "bổ" vào giá thành và để các nhóm còn lại phải gánh thì lại không ổn, nhất là khi chúng ta luôn khẳng định đang xây dựng và tiến tới một thị trường điện cạnh tranh. Vì vậy, nên tách bạch việc hỗ trợ này ra khỏi hoạt động sản xuất điện và chọn một phương án khác, ví dụ như ngân sách trực tiếp chi trả thì mọi cái rõ ràng, minh bạch hơn.

Tương tự, giá điện đang gánh nhiệm vụ "thu hút đầu tư" dẫn đến nghịch lý giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp (DN) (trong đó chiếm số lượng lớn là các DN đầu tư nước ngoài). Chính sách thu hút đầu tư bằng giá điện không còn hợp lý đã được đặt ra từ nhiều năm nay, thế nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi. Đó là lý do mỗi lần nói tới việc tăng giá điện, người dân và DN đều cảm thấy không thoải mái, không ủng hộ.

Ngoài gánh những chi phí chưa hợp lý thì còn không ít vấn đề cần có câu trả lời thỏa đáng trước khi tăng giá điện. Đầu tiên là hơn 80 dự án năng lượng tái tạo đang chờ "giải cứu" suốt nhiều tháng qua chưa chốt được phương án; đồng nghĩa với một sản lượng điện gió, điện mặt trời còn đang lãng phí. Trong bối cảnh đó, tăng giá điện liệu có quá vô lý? Thứ hai, cùng chịu chi phí đầu vào tăng nhưng nhiều DN điện của chính EVN vẫn lãi lớn trong năm 2022 trong khi tập đoàn này lỗ nặng. Vậy khoản lỗ này có phải do năng lực điều hành quản lý? Và nếu do năng lực quản lý mà bổ vào giá, bắt người dân gánh chịu thì có thỏa đáng không?

Bên cạnh đó, tăng giá điện ở thời điểm này còn phải "nhìn" trên đại cục. Chúng ta đều biết, nền kinh tế đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Hôm 17.4, Chính phủ đã đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% để kích cầu tiêu dùng. Hôm qua 18.4, VCCI tiếp tục kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để giảm giá nhiên liệu đầu vào thiết yếu, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm gánh nặng chi phí cho người dân.

Trước đó 2 ngày, Chính phủ cũng ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Cùng thời điểm, nhiều hiệp hội ngành nghề cũng có đơn đề nghị giảm lãi vay, mở tín dụng, khoanh nợ, gỡ vướng thủ tục... để cứu sức mua, cứu DN. Mọi nỗ lực đang hướng tới vực dậy nền kinh tế giảm tốc quý 1 vừa qua. Trong bối cảnh đó, tăng giá điện, mặt hàng thiết yếu đầu vào với tất cả người dân, hộ gia đình; hệ thống sản xuất kinh doanh, dịch vụ... cần cân nhắc kỹ. Tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược; giải quyết cho một DN nhưng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của cả nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.