Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên:

Làm rõ trách nhiệm của Vinalink để nhà phân phối sai phạm kéo dài

12/05/2023 06:44 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Đa cấp "giăng bẫy" sinh viên, bước đầu Công ty CP Tập đoàn liên kết VN (Vinalink Group) thừa nhận thiếu giám sát để các nhà phân phối hoạt động sai tại chi nhánh Vinalink Group (130/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Trước mắt, Vinalink Group đình chỉ 8 nhà phân phối (NPP), chấm dứt hoạt động 7 NPP đã có những hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, Vinalink Group cam kết tiếp nhận, giải quyết theo nguyện vọng sinh viên (SV) đã từng bị NPP dẫn dắt đầu tư đa cấp tại chi nhánh này.

Làm rõ trách nhiệm của Vinalink để nhà phân phối sai phạm kéo dài - Ảnh 1.

Cuộc họp giữa sinh viên và lãnh đạo Vinalink Group

TRẦN DUY KHÁNH

Sai phạm trong thời gian dài

Sau khi nộp đơn tố cáo về những dấu hiệu vi phạm xảy ra tại chi nhánh Vinalink Group, ngày 9.5, hai SV năm nhất N.P.Th và N.L.G.Q được Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN mời làm việc với sự tham dự của đại diện Sở Công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đức Anh, Tổng giám đốc Vinalink Group.

Tại đây, SV N.P.Th cho rằng NPP cung cấp thông tin sai sự thật, nhồi nhét tư tưởng làm giàu, rồi dẫn dắt đầu tư gói sản phẩm 15 triệu đồng. Số tiền này, có 3 triệu đồng là tiền em tiết kiệm, số còn lại mượn người thân và gia đình. Tương tự, N.L.G.Q cũng bị dẫn dắt đầu tư 12 triệu đồng để mua gói sản phẩm của Vinalink Group. Tuy nhiên, sau hai tháng làm việc, hai SV này phát hiện ra nhiều bất thường như: tại sao SV đi xin việc, bị dẫn dắt đầu tư đa cấp; khi đóng tiền đầu tư gói sản phẩm, các tuyến trên không đưa bất kỳ giấy tờ gì; khi mua hàng công ty mà tuyến trên (tên Liễu) yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân...

Bộ Công Thương thanh tra Vinalink Group và 5 công ty đa cấp

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) đang triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2023.

Theo đó, cơ quan này sẽ thực hiện kiểm tra đối với 6 DN là công ty đa cấp đang hoạt động tại VN, gồm: Vinalink Group (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội); Công ty TNHH Gcoop VN (Q.Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); Công ty TNHH Oriflame VN (Q.Phú Nhuận, TP.HCM); Công ty TNHH Seacret ( Q.10, TP.HCM); Công ty TNHH Total Swiss VN (Q.Tân Bình, TP.HCM), Công ty TNHH Kyowon The Orm VN (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Công Nguyên

Trước những thắc mắc của SV, Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN yêu cầu phía Vinalink Group xác định quy trình làm việc, tài liệu có phải công ty chủ trương, phát hành, ông Nguyễn Đức Anh cho biết năm 2019, công ty đã mở chi nhánh tại địa chỉ 130/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình; đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan chức năng ở TP.HCM.

Theo ông Đức Anh, việc các NPP tại chi nhánh này đăng tin tuyển dụng, dẫn dắt SV đầu tư đa cấp; yêu cầu SV đóng tiền mua sản phẩm trước khi ký hợp đồng trở thành NPP; theo sát, kiểm tra điện thoại SV… là sai quy định. Các tài liệu NPP dạy cho các SV không phải của Vinalink Group phát hành. Ông Đức Anh cũng cho rằng cách thức hoạt động của NPP tại chi nhánh 320/12 Trường Chinh là sai và đây không phải là chủ trương của Vinalink Group. Vinalink Group sẽ xác minh từng trường hợp cụ thể của NPP mà SV phản ánh và sẽ có hình thức xử lý theo hợp đồng và quy định của công ty.

Chỉ là thiếu giám sát?

Trả lời những vấn đề mà PV Báo Thanh Niên đặt ra tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Anh nói: "Những vấn đề Báo Thanh Niên phản ánh vừa qua là đúng. Các NPP tại chi nhánh đã làm sai so với quy định, đây không phải là chủ trương của công ty. Công ty thiếu giám sát dẫn đến các nhà phân phối làm không đúng".

Vậy trách nhiệm Vinalink Group trong việc này là gì? Tổng giám đốc Vinalink nói Vinalink Group chịu trách nhiệm vì thiếu giám sát để NPP hoạt động Vinalink Group bán hàng đa cấp sai quy định. Phía công ty sẽ xử lý, cắt hợp đồng với các NPP vi phạm, yêu cầu NPP khắc phục hậu quả do mình gây ra. Công ty sẽ mua lại hàng hóa cho SV theo đúng quy định và hợp đồng. "Những người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với công ty là NPP chứ không phải là nhân viên Vinalink Group. NPP phải hoạt động theo quy định của pháp luật, quy định công ty và hợp đồng đã ký với Vinalink Group", ông Đức Anh nói.

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH ĐỂ QUẢN LÝ, XỬ PHẠT CÔNG TY BÁN HÀNG ĐA CẤP

Theo luật sư (LS) Trần Thu Thủy (Đoàn LS TP.HCM), tại khoản 5, 6 điều 40 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp có trách nhiệm "giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia thực hiện đúng hợp đồng bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của DN"; "chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp các hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo của DN". 

Theo quy định tại điểm l khoản 6 điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với DN bán hàng đa cấp thực hiện hành vi "không giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp".

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên qua loạt bài Đa cấp "giăng bẫy" SV, phía Vinalink Group thừa nhận thiếu giám sát để NPP vi phạm. Vì vậy, Vinalink Group có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu, cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của Vinalink trong sai phạm của NPP để có mức xử lý phù hợp.

Cũng theo LS Thủy, đối với người tham gia bán hàng đa cấp (NPP), được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Cấm người tham gia bán hàng đa cấp cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của DN bán hàng đa cấp. Tại khoản 3 điều 30 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, DN bán hàng đa cấp có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng với NPP vi phạm quy định tại khoản 2 điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Theo quy định điểm b khoản 3 điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện hành vi "cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, về hoạt động của DN...

Từ thực tế quy định hiện nay, LS Thủy kiến nghị: "Theo tôi, Chính phủ cần sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng trách nhiệm giám sát của DN bán hàng đa cấp đối với hậu quả xảy ra, nếu gây hệ lụy xấu làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh chung và gây thiệt hại cho số đông người tiêu dùng thì có thể xem xét biện pháp xử phạt bổ sung là thu hồi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp. Có như vậy thì trách nhiệm giám sát của DN sẽ hiệu quả hơn, môi trường kinh doanh đi vào nề nếp, tuân thủ và minh bạch".

Hoạt động tại chi nhánh Vinalink Group có phải là đa cấp biến tướng, lừa sinh viên? NPP ký hợp đồng bán hàng đa cấp với Vinalink Group, vậy quy trình công ty giám sát NPP ra sao để xảy ra sai phạm kéo dài?, PV Thanh Niên hỏi. Ông Đức Anh cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, trước khi ra kết luận cuối và sẽ trả lời Báo Thanh Niên sau 5 ngày làm việc. 

Trước mắt, từ phản ánh của Báo Thanh Niên, phía công ty rà soát, xử lý, chấn chỉnh và làm việc với các NPP liên quan. Vinalink Group nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giám sát hoạt động của các NPP hoạt động không đúng với chính sách, quy tắc hoạt động của Vinalink Group. Công ty cam kết sẽ rà soát kỹ lại quy trình giám sát để ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra. Công ty đã đình chỉ hoạt động 8 NPP và chấm dứt hợp đồng bán hàng đa cấp với 7 NPP đã có hành vi sai phạm. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.