Lạm phát trong game - đâu là giải pháp?

10/06/2014 15:00 GMT+7

Khi tiền trong game được "in" quá nhiều nhưng không có cách để “tiêu hóa”, còn lượng trang bị, vật phẩm... lại chỉ được tung ra nhỏ giọt, việc mất giá của đồng tiền là không thể tránh khỏi.

Trong hầu hết các game online cho phép giao thương giữa người chơi với nhau, việc đồng tiền in-game (gold, ngân lượng...) mất giá theo thời gian đã trở nên hết sức quen thuộc. Một ví dụ gần gũi và điển hình nhất là “cây đa cây đề” Võ lâm truyền kỳ. Vào thời điểm mới mở máy chủ cách đây 10 năm, 100 vạn lượng trong game có thể tương đương với 100.000 đồng tiền thật. Cho đến khoảng cuối năm 2013, giá trị tiền trong game giảm giá khoảng… 500 lần, khi 100k vạn lượng mới có giá tương đương 250.000 đồng tiền thật.

Võ lâm truyền kỳ - Lạm phát tiền tệ trong game

Sự mất giá trong game gần như là điều không thể tránh khỏi, nhưng làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này? Trước hết, cần phải nhìn rõ nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng lạm phát trong game.

Nguyên tắc "Source - Sink"

Xét về mặt kinh tế, game cũng có nhiều điểm tương tự như thế giới thật của chúng ta. Khi lượng tiền trong game được sinh ra và đổ vào thị trường quá nhiều nhưng không có cách để “tiêu hóa”, còn lượng hàng hóa (trang bị, vật phẩm) lại chỉ được sinh ra nhỏ giọt, việc mất giá của đồng tiền là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, người thiết kế game sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng để cân bằng lượng tiền tệ sinh ra trong game và quá trình sử dụng chúng của game thủ để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế trò chơi.

Võ lâm truyền kỳ - Lạm phát tiền tệ trong game

Một bản thiết kế vòng tuần hoàn của tiền trong game.

Khái niệm Source-Sink (hay còn gọi là MIMO - Money in, money out) được áp dụng trong việc thiết kế game nhằm phục vụ cho nhu cầu cân bằng tiền tệ trong game. Một lượng tiền sinh ra (Source) sẽ phải được tính toán sử dụng vào một hoặc nhiều tính năng nào đó (Sink) nhằm đảm bảo một vòng tuần hoàn mà qua đó, người chơi sẽ đánh đổi tiền để nhân vật của mình mạnh hơn (thăng cấp, cường hóa vật phẩm,...).

Tuy nhiên, vòng tuần hoàn này rất dễ sụp đổ nếu:

  • Không xây dựng được cơ chế Sink hợp lý đủ để tiêu hóa lượng tiền trên thị trường. Điều này đang xuất hiện tại một số tựa game trên thị trường, trong đó có “bom tấn” Tiếu ngạo giang hồ 3D.
  • Người chơi không “đốt” tiền vào hệ thống mà chuyển qua người chơi khác. Giao dịch giữa người chơi với nhau (bán trang bị, vật phẩm, cho-tặng…) cũng góp một phần vào lạm phát, nhưng nghiêm trọng nhất, gây tác hại rõ ràng nhất chính là hiện tượng “cày tiền”. Lạm phát cũng “kinh khủng” hơn ở những trò chơi có cày tiền bằng… auto/bot mà trong đó, Võ lâm truyền kỳ là ví dụ điển hình nhất.

Biện pháp

Nguyên nhân của lạm phát, như đã nói ở trên, là do lượng tiền được sinh ra trong game mất cân bằng so với lượng tiền hệ thống có thể hấp thu. Chính vì vậy, mọi giải pháp đều cần tập trung giải quyết hiện tượng này. Tuy nhiên, bởi đặc thù “tự do” của game online mà rất khó có giải pháp nào hoàn toàn triệt để cho tình trạng lạm phát. Hệ thống game không thể cấm người chơi không được... trao, tặng tiền cho người khác được, và vì thế, cũng sẽ khó mà ngăn chặn triệt để tình trạng lập clone cày tiền.

Võ lâm truyền kỳ - Lạm phát tiền tệ trong game

Auto - nguồn sinh lực bất tận cho đội "cày tiền".

Việc thiết kế những tính năng “hút tiền” cũng là một nỗ lực cần thiết để giải quyết tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, nếu không thể khống chế nạn “clone cày tiền” thì chẳng mấy chốc, lượng tiền trong game lại lấp đầy những “hố sâu hút tiền”, trong khi game thủ bình thường thì phải… than trời vì không cách gì đủ tiền để tham gia tính năng. Chính vì vậy, hạn chế “clone cày tiền” là điều mà các nhà thiết kế game phải tính trước để ngăn chặn lạm phát trong game. Một số các giải pháp được đưa ra gồm:

  • Thiết lập mức tiền tối đa một nhân vật có thể kiếm được mỗi ngày. Điều này sẽ giảm bớt tốc độ lạm phát.
  • Sử dụng hai loại tiền tệ, tiền không khóa giao dịch và tiền khóa. Các loại tiền không khóa sẽ rất khó kiếm được, trong khi tiền khóa sẽ dễ kiếm hơn để phục vụ cho nhu cầu bình thường của cá nhân. Cách thức này đang được “bom tấn” Tiếu ngạo giang hồ 3D sử dụng để hạn chế bớt tình trạng lạm phát tiền tệ.
  • Khóa giao dịch với các tài khoản không trả phí xác thực. Phí xác thực sẽ đem lại một số ưu đãi cho nhân vật (ưu đãi VIP), đồng thời phần nào chứng minh nhân vật đó không phải clone. Theo cách này, những nhân vật clone dù đông đảo, nhưng nếu không được trả phí xác thực (có thể là phí hàng tháng) thì cũng không thể… cày tiền được. Hiện tại, Cửu âm chân kinh đang áp dụng biện pháp này với việc nhân vật VIP có thể kiếm được tiền không khóa, các nhân vật bình thường sẽ chỉ kiếm được tiền không khóa đủ trang trải chi tiêu cá nhân. Thêm vào đó, chi phí VIP sẽ phải thanh toán hàng tháng chứ không phải dạng “mua đứt”. Nhờ vậy, nhiều đội ngũ clone đã không còn đất sống trong tựa game này.

Võ lâm truyền kỳ - Lạm phát tiền tệ trong game

Game Cửu âm chân kinh hạn chế một phần giao dịch với nhân vật không VIP.

Hầu hết các biện pháp ngăn chặn trên đều có hiệu quả tương đối chứ không hoàn toàn giải quyết được tình trạng lạm phát. Bất kỳ tựa game nào cũng có khả năng gặp phải lạm phát tiền tệ sau một thời gian vận hành nếu không có những thay đổi linh hoạt trong thiết kế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.