Làm nông nghiệp có cần phải đi học?

04/08/2023 17:26 GMT+7

Là nước sản xuất, xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng nguồn nhân lực đáp ứng cho ngành nông nghiệp mỗi năm lại càng giảm sút, có người đi học nửa chừng lại nghỉ ngang.

Làm nông nghiệp có cần phải đi học? - Ảnh 1.

Ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt lực lượng lao động kế thừa

CTV

Ngày 4.8.2023, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp khu vực phía nam. Đây là vấn đề nan giải không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn của nhiều nước khác. Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong nước nhìn chung còn thấp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành chỉ khoảng 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao. Quan trọng hơn hết là số lượng học viên trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng suy giảm.

Đến nay, Bộ NN-PTNT có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, (gồm 4 đại học/học viện và 8 viện nghiên cứu), 28 trường cao đẳng và 2 trường cán bộ quản lý. Tuy nhiên, cả ba hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp và sơ cấp đều chứng kiến sự suy giảm của các nghề nông nghiệp trong giai đoạn 2016 đến năm 2021. Đối với các ngành truyền thống, học sinh, sinh viên đăng ký thấp, thậm chí có ngành có năm không có sinh viên đăng ký theo học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng theo Bộ NN-PTNT, chủ yếu do xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp có thu nhập thấp hơn so với các nghề nghiệp khác, trong khi chương trình đào tạo cũ kỹ và thiếu đổi mới.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. 

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của bộ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.