Làm nhựa sinh học từ bã mía, khoai lang bỏ đi

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/12/2023 18:00 GMT+7

Từ khoai lang bị vứt bỏ, nhóm học sinh TP.HCM tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác tạo ra nhựa sinh học, tạo thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Làm nhựa sinh học từ khoai lang bỏ đi, bã mía - Ảnh 1.

Cờ vua làm bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê của nhóm học sinh. Quân đen làm từ bã cà phê, quân trắng từ bã mía.

H.N

Đó là dự án Bioplastic - sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê của nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu Q.Bình Thạnh, TP.HCM vừa giành giải nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023.

Với 5 thành viên là Vũ Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Hoài Ni, Nguyễn Hoàng Linh Đan, Kiều Ngọc Hân, Hồ Quốc Thụy Ân, nhóm có sự cố vấn khoa học của PGS-TS Hồ Quốc Bằng (Viện trưởng, Viện phát triển năng lực lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM) và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Như Uyên, Viện môi trường và tài nguyên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.

Vũ Thị Hồng Minh, đại diện nhóm, cho biết nhựa đã rất quen thuộc với mọi người, nhưng có những vật dụng chỉ dùng trong 5 giây mà mất cả ngàn năm mới có thể phân hủy. Với mong muốn giảm tải lượng nhựa thải ra môi trường, góp phần vào lối sống xanh, nhóm đã có ý tưởng thực hiện đề tài Bioplastic - sản xuất các vật dụng từ nhựa sinh học với thành phần là khoai lang, bã mía, bã cà phê.

Làm nhựa sinh học từ khoai lang bỏ đi, bã mía - Ảnh 2.

Nhóm học sinh giành giải nhất với Bioplastic

H.N

Với những sản phẩm cụ thể như bộ trò chơi cờ vua, cờ tướng, chậu cây handmade (làm thủ công) để bàn được làm từ nhựa sinh học, các học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu cho biết đây là thành quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài.

"Từ khoai lang bị vứt bỏ, chúng em tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Để ra được những sản phẩm như hiện nay, chúng em mất khoảng 5 tháng để thử nghiệm công thức và thất bại rất nhiều lần, mới có thể ra được công thức cuối cùng", Nguyễn Thị Hoài Ni, học sinh trong nhóm, chia sẻ thêm.

Các sản phẩm chậu trồng cây, bộ cờ vua làm từ nhựa sinh học với thành phần là khoai lang bỏ đi, bã mía, bã cà phê

H.N

Các học sinh cho biết thêm trong tương lai, nhóm sẽ tiến hành tạo ra các sản phẩm quen thuộc với mọi người từ nhựa sinh học khác như bàn cờ, hộp, khay, các vật dụng gia đình thiết yếu. Nhóm hướng tới phân khúc khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, thay thế các vật dụng bằng nhựa truyền thống.

Một trường vừa giành giải nhất vừa có giải nhì

Không chỉ có đội thi giành giải nhất, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh còn giành thêm giải nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023 với dự án "Toxic Productivity - cùng học sinh THPT vượt qua năng suất độc hại bằng sổ tay học tập kết hợp thử thách giới hạn bản thân".

Nhóm gồm các học sinh Trần Mai Anh, Trần Thị Quỳnh Như, Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Võ Yến Nhi, Nguyễn Đỗ Nguyên Khang.

Làm nhựa sinh học từ khoai lang bỏ đi, bã mía - Ảnh 4.

Nhóm học sinh giành giải nhì của Trường THPT Trần Văn Giàu (bìa trái) trong hôm trao giải

PHƯƠNG HÀ

Các thành viên trong nhóm đều giành nhiều thành tích trong học tập và các cuộc thi như: Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP.HCM; Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp thành phố; đạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các môn thể thao như bóng đá, đá cầu, bóng chuyền…

Ban đầu nhóm in thử 50 bộ sổ tay và sau đó 3 ngày đã bán hết. Hiện tại, nhóm tăng cường tiếp cận tới người tiêu dùng sản phẩm trên thông qua các kênh thương mại điện tử, nền tảng Facebook, các văn phòng phẩm, nhà sách, giới thiệu bộ sổ tay trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt dưới sân trường. Tới nay, sổ tay học tập của nhóm học sinh đã tiếp cận được đông đảo học sinh các trường THPT trên địa bàn Q.Bình Thạnh.

Làm nhựa sinh học từ khoai lang bỏ đi, bã mía - Ảnh 5.

Sản phẩm bộ sổ tay của nhóm giải nhì

H.N

Điều đặc biệt là cả nhóm học sinh được giải nhất và giải nhì cuộc thi lần này đều được sự hỗ trợ, hướng dẫn bởi thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên dạy hóa học tại Trường THPT Trần Văn Giàu.

Vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức diễn ra hôm 3.12, thu hút 152 dự án. Ban tổ chức cũng trao giải nhì cho dự án "MERCURY, học tập và trải nghiệm hóa học hiệu quả trong Chương trình GDPT 2018" của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức, đồng thời trao 2 giải ba và 7 giải khuyến khích cho các dự án có triển vọng khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.