Làm giàu và làm từ thiện

Văn Khoa
Văn Khoa
14/02/2018 08:00 GMT+7

Năm 2017, những vị trí dẫn đầu danh sách giàu nhất thế giới có nhiều thay đổi sau khi Bill Gates và Warren Buffett tiếp tục cho đi nhiều tài sản.

Từ cuối tháng 10.2017, ông chủ Tập đoàn Amazon Jeff Bezos lần đầu tiên đứng đầu Chỉ số tỉ phú Bloomberg, với tổng tài sản trị giá 93,8 tỉ USD, cao hơn 5,1 tỉ USD so với tài sản của người sáng lập Microsoft Bill Gates. Sự kiện này chính thức đánh dấu ông Bezos (53 tuổi) vượt qua tỉ phú Gates (61 tuổi), trở thành người giàu nhất thế giới.
Theo tạp chí Forbes, nếu vị tỉ phú người Mỹ không quyên góp nhiều tài sản làm từ thiện thì ông vẫn giữ vững ngôi vị giàu nhất thế giới. Tổng tài sản của ông Gates vào thời điểm bị tỉ phú Bezos qua mặt là 88,7 tỉ USD. Con số này sẽ là khoảng 150 tỉ USD nếu ông Gates trước đó không quyên góp gần 700 triệu cổ phiếu của Microsoft, 2,9 tỉ USD tiền mặt cùng nhiều tài sản khác.
Từ năm 2008, tỉ phú Gates đã từ chức Chủ tịch Microsoft để tập trung vào các hoạt động của Tổ chức từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) do hai vợ chồng ông thành lập năm 2000. Mục tiêu của tổ chức này là nâng cao chăm sóc sức khỏe và giảm tình trạng cực nghèo ở phạm vi toàn cầu. Riêng tại Mỹ, BMGF đặt mục tiêu mở rộng cơ hội về giáo dục và tiếp cận công nghệ thông tin cho những cộng đồng khó khăn nhất. Tính đến nay, tổ chức này đã chi 41 tỉ USD và đang giữ tổng tài sản trị giá 40,3 tỉ USD chờ giải ngân cho các dự án quy mô lớn.
Tương tự, nếu trong thập niên qua không quyên góp nhiều cổ phiếu Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway Inc., thì tỉ phú Warren Buffett (87 tuổi) vẫn chỉ đứng sau người bạn thân Bill Gates, với tổng tài sản trị giá 135 tỉ USD. Tính đến ngày 24.11.2017, tổng tài sản của ông là 78,7 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới, theo Bloomberg. Ông Buffett cũng đã dùng phần lớn tài sản của mình làm từ thiện thông qua BMGF.
Cam kết cho đi
Không chỉ tự mình quyên góp tài sản, với uy tín và danh tiếng của mình, “đôi bạn cùng tiến” Gates và Buffett vào năm 2010 còn đưa ra sáng kiến “Giving Pledge” (tạm dịch: Cam kết cho đi), nhằm kêu gọi giới nhà giàu cùng nhau hành động. Tính đến nay đã có 168 tỉ phú ở Mỹ ủng hộ sáng kiến này, cam kết làm từ thiện hầu hết tài sản của họ, theo Bloomberg. Bản thân người sáng lập Microsoft từng tuyên bố sẽ cho đi 70 tỉ USD trong tổng số tài sản của mình khi ông qua đời.
Ông nhấn mạnh: “Con cái của tôi sẽ nhận được sự giáo dục tốt nhất và một khoản tiền đủ để không bao giờ sẽ phải sống khốn khổ nhưng chúng sẽ phải ra ngoài và lập sự nghiệp riêng. Để lại cho các con khối tài sản lớn không phải là một đặc ân. Việc đó làm méo mó bất kỳ điều gì chúng có thể làm, chẳng hạn như tạo ra con đường của riêng mình”.
Về phần mình, tỉ phú Buffett cam kết quyên góp 99% tài sản cho từ thiện. Ông có kế hoạch để lại cho 3 người con 2 tỉ USD mỗi người, tất cả phần còn lại sẽ đóng góp cho công cuộc giúp thế giới trở nên tốt đẹp và bình yên hơn. Tỉ phú Buffett nói ông muốn các con “có đủ tiền để chúng cảm thấy mình có thể làm điều gì đó, nhưng không cho quá nhiều đến mức chúng không thể làm gì”.
Áp lực cho “kẻ soán ngôi”
Với tài sản hơn 90 tỉ USD, ông chủ Amazon Bezos chưa tạo ra dấu ấn lớn về từ thiện, nhưng sau khi “lên ngôi” người giàu nhất thế giới, thì áp lực cho đi đối với nhà tỉ phú Mỹ này chắc chắn sẽ gia tăng. Khi xây dựng Microsoft, ông Gates cũng đã đối mặt sức ép cho đi từ dư luận, thậm chí từ gia đình. Tờ The Wall Street Journal hồi năm 2009 kể lại câu chuyện về một đêm nọ, mẹ của ông Gates thúc giục ông làm từ thiện và nhà tỉ phú đáp lại một cách cáu gắt: “Con đang cố tập trung làm ăn”.
Nhận định về ông Jeff Bezos, Giáo sư Ed Lazowska, người từng kêu gọi tỉ phú này hỗ trợ chi phí tuyển giảng viên khi Đại học Washington gặp khó khăn về tài chính hồi năm 2012, cho hay: “Đây là người giống Bill, hướng tới việc thay đổi thế giới theo những cách có ý nghĩa thật sự. Đây là công việc toàn thời gian. Lòng nhân ái của ông ấy cũng lớn như Bill nhưng chúng ta không có quyền đòi hỏi hay gây sức ép. Jeff cần thêm thời gian”.
Tính từ năm 2000 đến nay, ông Bezos đã quyên góp tổng cộng 68 triệu USD, một phần rất nhỏ so với tổng tài sản gần 100 tỉ USD. Hồi tháng 6, ông lên Twitter kêu gọi đề xuất ý tưởng về một chiến lược cho đi theo hướng tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu khẩn cấp nhưng lại có tác động lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.