Làm giàu nhờ trồng cây hiếm - Thoát nghèo nhờ “cây của trời”

11/06/2009 23:22 GMT+7

Chuyện Bhríu Pố giàu lên nhờ ba kích - loại cây quý hiếm trong ngành dược liệu VN - trở nên nổi tiếng không chỉ ở Tây Giang (Quảng Nam) mà còn khắp các huyện miền núi miền Trung.

Năm 2004, lần đầu tiên, ba kích tím được tìm thấy ở xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam) trong chuyến đi thực tế để tìm kiếm các cây thuốc nam của tiến sĩ (TS) Ngô Trại.

Bhríu Pố nhớ như in: “Mình cùng TS Ngô Trại lúc đang đi tham khảo đất, nước, rừng ở xã Lăng thì phát hiện ra cây ba kích ở trong một hốc núi. TS Ngô Trại bảo đây là giống cây quý lắm, có củ ở dưới, người dân gọi là cây ruột gà. Bán tin bán nghi, mình đào lên thì thấy có củ thật”. 

Qua tìm hiểu sách vở, Bhríu Pố mới biết hết công dụng tuyệt vời của ba kích. Ý định trồng ba kích chợt lóe lên trong đầu người đàn ông người C’Tu này. Nhưng khi bàn bạc với mọi người trong thôn, ai cũng phản đối. Thậm chí, họ còn bảo Bhríu Pố bị... điên, vì: “Đây là cây của trời, mọc trong rừng chứ không phải của người, không trồng được”. Ông quyết định vượt núi, vào rừng đào ba kích ròng rã mấy tháng trời để về trồng. Đằng đẵng thời gian dài, đến lúc ba kích lên tươi tốt, Bhríu Pố mới gọi bà con đến xem. Lúc này, mọi người mới tin cây của trời vẫn trồng được!

Sau hơn 1 năm gặp lại, Bhríu Pố hào hứng khoe đợt thu hoạch vừa rồi, ông trúng lớn. Lúc trước, khi ba kích mới được tìm thấy, một vài người dân đi rừng đào được bán với giá 10.000 đồng/kg, đến khi Bhríu Pố trồng được ba kích, giá đã nâng lên 80.000 đồng/kg. Còn bây giờ, sau 5 năm phát triển và khá phổ biến, giá một ký ba kích tươi đã lên đến 200.000 đồng, vậy mà còn không đủ để bán. Từ 2.000 gốc ban đầu, hiện nay, số gốc ba kích của Bhríu Pố đã lên đến hơn 6.000 gốc.

Hằng ngày, ông vẫn chân trần lội suối, vượt đồi để chăm bẵm đồi ba kích của mình. Có hôm trời mưa, nước lớn, Bhríu Pố phải ngủ lại rừng. Mùa thu hoạch ba kích thường vào mùa xuân, tiết trời mát. Với giá thành hiện tại, chỉ làm một phép tính sơ sơ, cũng đủ thấy đồi ba kích của Bhríu Pố đang có giá trị gần nửa tỉ đồng - một giấc mơ của nhiều người. Ba kích ưa bóng râm nên trên đồi ba kích, Bhríu Pố trồng xen kẽ cây sắn, cau kiểng và cây ăn quả. Nhiều người vẫn nói quả đồi canh tác của Bhríu Pố là "đồi 3 trong 1".

Cả huyện trồng ba kích

Thấy mô hình của Bhríu Pố hiệu quả, nhiều người dân, kể cả cán bộ các huyện miền núi khác như A Lưới (Thừa Thiên- Huế), Trà My, Nam Giang (Quảng Nam)... đến học hỏi. Ông nhiệt tình cho giống, hướng dẫn cụ thể cách trồng, thu hoạch với niềm tin một ngày không xa, sẽ có nhiều người miền núi thoát nghèo, vươn lên khá giả, đầy đủ như mình.

Không chỉ trồng, ươm giống tại hợp tác xã, huyện Tây Giang còn khuyến khích người dân trồng loại cây này trên cơ sở huyện sẽ cung cấp giống miễn phí; gia đình nào có 1 ha ba kích còn được thưởng 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhríu Liếc bộc bạch: “Đất làm rẫy của người dân ngày càng khó khăn, trong khi đó, hiệu quả kinh tế của ba kích thì thấy rõ nên huyện đã chủ trương xác định ba kích sẽ là cây xóa đói giảm nghèo”. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Nguyễn Huy Thông, huyện đã trồng được hơn 40.000 gốc ở thôn PrNing. Ở xã Lăng, nơi Bhríu Pố ở cũng đã có hơn 30 gia đình học tập, trồng ba kích. 

 Ngoài dùng làm các vị thuốc, rượu ba kích với nhiều tính năng tuyệt vời đã được nhiều người ưa thích. Bây giờ, bất kỳ ai đã từng đặt chân đến vùng đất Tây Giang cũng đều cố gắng có được một hũ rượu ba kích mang về. 

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.