Làm giàu nhờ hàng 'tây' trên đất ta

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/01/2022 06:15 GMT+7

Măng tây không xa lạ ở Việt Nam nhưng ở Tây nguyên là một luồng gió mới. Có 3 người trẻ, rời TP.HCM để quay trở về mảnh đất mình sinh ra, khởi nghiệp, làm giàu từ hàng 'tây' có giá rất cao, thường dành cho nhà giàu.

Măng tây không xa lạ ở Việt Nam nhưng ở Tây nguyên, nó là một luồng gió mới. Nơi đây có 3 người trẻ, rời TP.HCM để quay trở về mảnh đất mình sinh ra, khởi nghiệp từ hàng “tây” có giá rất cao, thường dành cho nhà giàu.

Chọn lối đi riêng

3 người trẻ đó là Hồ Thế Mỹ (29 tuổi); Lê Thế Tư (31 tuổi) và Võ Thị Hà Mi (27 tuổi). Những nông trại trồng măng tây đang phủ xanh nhiều xã của H.Buôn Đôn, H.Krông Pắk, H.Lắk của Đắk Lắk. Sản phẩm măng tây của họ vào tới vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Kể với PV Thanh Niên, anh Mỹ cho biết nhiều người nghĩ rằng đất Tây nguyên chỉ phù hợp với những cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu, điều… do đó nhóm của anh chọn lối đi riêng với cây măng tây, đổi mới tư duy cho bản thân và chính quê hương mình.

“Măng tây là loại rau nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi, nhất là ở các nước phương Tây. Giá trị dinh dưỡng cao, nó được mệnh danh là “hoàng đế” trong các loại rau, loại rau này còn có giá trị kinh tế cao, rất tiềm năng trong xuất khẩu”, anh Mỹ nói về những lý do để nhóm của anh bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu trồng thí điểm 5.000 m2 măng tây vào năm 2018.

Tại Tây nguyên, đất bazan màu mỡ, nhiệt độ trung bình 22 độ C, địa hình cao ráo tránh ngập úng, lý tưởng để trồng măng tây vốn là giống cây ưa nắng. Nhưng bắt tay làm trong thực tế thì khó khăn muôn trùng. Thời gian đầu, 3 bạn trẻ thất bại liên tục. “3 lần đầu cây bị ươm sai, hư hỏng rất nhiều. Năm 2019 măng tây bị nấm bệnh, giảm năng suất. Sau đó, chúng tôi đi học hỏi các anh em trồng măng tây ở Ninh Thuận, cũng như học hỏi phương pháp vi sinh, dùng dung dịch vi sinh có thể tăng lợi khuẩn, giảm hại khuẩn cho cây”, anh Mỹ hồi tưởng.

Từ trái qua: Lê Thế Tư, Võ Thị Hà Mi, Hồ Thế Mỹ khởi nghiệp với cây măng tây

NVCC

Không dùng phân hóa học trong quá trình cải tạo đất, chăm sóc cây măng tây, nhóm của anh Mỹ dùng phân trùn quế, loại phân này giúp dưỡng đất, làm đất thêm tơi xốp, màu mỡ, thân thiện với môi trường, giúp măng tây an toàn với sức khỏe người dùng. Ở Buôn Đôn còn nhiều diện tích đất đã qua trồng cà phê, hồ tiêu trở nên bạc màu. Những người trẻ cải tạo đất bằng cách trồng đậu phộng, đậu nành trước và cho thấy hiệu quả.

Trồng đến đâu, bán hết tới đó

Khắc phục được khó khăn, tìm được thị trường, diện tích trồng măng tây của họ tăng dần lên. Năm 2020, dù dịch Covid-19, họ vẫn phát triển diện tích lên thành 1,5 ha. Đồng thời, họ liên kết với các hộ nông dân, thống nhất quy trình trồng măng tây sạch và bao tiêu đầu ra. Hiện tại, 5 ha măng tây của người nông dân đã liên kết cùng với nhóm. Như vậy diện tích trồng măng tây được mở rộng lên hơn 6,5 ha. “2 ha đang cho thu hoạch. Kế hoạch dự kiến của chúng tôi trong năm 2022 diện tích trồng sẽ là 15 ha”, anh Mỹ cho biết.

Anh Mỹ cho biết thêm măng tây trồng tới tháng thứ 8 cho thu hoạch. Trên mỗi 1.000 m2, doanh thu măng tây 1 năm trên 108 triệu đồng. Từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận sẽ nhiều hơn do không phải chi phí nhiều về cây giống, chăm sóc như năm đầu. Đặc biệt, loại rau này không phải theo mùa vụ, ngày nào cũng có thể có thu hoạch lai rai, giá cả bình ổn, tránh tình trạng được mùa mất giá - được giá mất mùa. Giá thu mua tại vườn trung bình là 57.000 đồng/kg. Mỗi ngày bà con nông dân có thể mang về 300.000 - 400.000 đồng.

Chưa kể mỗi héc ta măng tây cần có 3 lao động chính xuyên suốt và 5 lao động thời vụ giúp bón phân, làm cỏ, cắt tỉa cành. Do đó khi phát triển thành các vùng trồng măng tây rộng lớn ở Đắk Lắk, càng tạo thêm nhiều việc làm cho bà con.

Hiện tại, 80% sản lượng măng tây của nhóm tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị nhỏ, các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.HCM. Doanh thu của công ty khởi nghiệp này không chỉ đến từ măng tây thành phẩm, mà còn đến từ bán hạt giống, cây giống…

“Chúng tôi nhận được lời đề nghị xuất khẩu của các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng sản lượng hiện tại không đủ”, anh Mỹ chia sẻ. Trong năm mới 2022, khi trồng 15 ha, nhiều sản lượng măng tây thu hoạch hơn, họ nghiên cứu sản phẩm mớibột măng tây dinh dưỡng và măng tây ngâm, để có thể xuất khẩu.

Trang trại măng tây tại Đắk Lắk của 3 bạn trẻ

Mi Võ

Vì tình yêu buôn đôn

Một điều thú vị về cả 3 người trẻ khởi nghiệp với măng tây, đó là cả 3 cùng quê ở Đắk Lắk, không ai học về nông nghiệp và măng tây là dự án nông nghiệp đầu tiên họ cùng dấn thân.

Hồ Thế Mỹ ăn chay trường từ năm 18 tuổi, anh từng học Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, có hoàng đai vovinam, từng là huấn luyện viên vovinam tại Bình Dương. Trước khi rời phố về quê khởi nghiệp với hàng “tây”, bạn trẻ này từng nhiều năm lăn lộn khắp TP.HCM với đủ nghề như kinh doanh bất động sản, bán giày dép, đồ chơi trẻ em, mở quán ăn chay.

Lê Thế Tư cũng từng làm marketing trong ngành bất động sản. Còn Võ Thị Hà Mi học sư phạm, sau đó học thiết kế thời trang, cô từng đi dạy học 6 tháng trước khi bắt tay cùng những người bạn của mình làm hàng “tây”. Ngoài 5.000 m2 đất đầu tiên trồng măng tây, diện tích còn lại họ đi thuê. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm khởi nghiệp, họ chưa vay một đồng vốn nào, tất cả đều là nguồn lực của 3 người trẻ. Năm 2020 dự án đạt giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.

Hiện tại, Hồ Thế Mỹ là Phó chủ nhiệm CLB khởi nghiệp Buôn Đôn. Cả 3 người trẻ mong được chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh niên khác, giúp họ có thể lập nghiệp trên chính quê hương Buôn Đôn, không còn phải mưu sinh nơi xứ người khốn khó…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.