Làm gì khi chuyển khoản nhầm qua ngân hàng?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/03/2023 06:17 GMT+7

Khi phát hiện chuyển nhầm tiền cho người khác, chủ tài khoản sẽ phải làm gì để lấy lại tiền? Đồng thời, người nhận tiền nhầm sẽ phải làm gì để trả lại số tiền đó cho đúng mà không gặp phải lừa đảo?

Trong khi chuyển tiền 120 triệu đồng qua app ngân hàng, anh Tuấn Anh (TP.HCM) đã bấm nhầm số tài khoản nhận. Sau khi phát hiện đã thực hiện chuyển nhầm tiền, anh Tuấn Anh điện cho phía ngân hàng nhờ hỗ trợ để liên lạc với chủ tài khoản nhận tiền. Do thực hiện bảo mật thông tin khách hàng, ngân hàng không được tiết lộ thông tin liên lạc của tài khoản nhận tiền nên chỉ tiếp nhận thông tin sự việc để liên lạc với tài khoản nhận nhầm.

Lo lắng vì thời gian xử lý của ngân hàng theo quy trình sẽ rất lâu, trong khi số tiền chuyển nhầm thanh toán tiền hàng khá lớn nên anh Tuấn Anh đã làm theo cách chỉ dẫn trên mạng là thực hiện 1 lệnh giao dịch chuyển tiền số nhỏ và ghi chú lại nội dung xin lại số tiền đã chuyển nhầm cùng với điện thoại liên lạc. Sau nhiều ngày chờ đợi, anh Tuấn Anh thất vọng vì chủ tài khoản nhận không liên lạc. Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng trong trường hợp người nhận không trả lại tiền, anh Tuấn Anh thực hiện kiện khách hàng để đòi lại số tiền trên.

Làm gì khi nhận, chuyển khoản nhầm tiền qua tài khoản ngân hàng? - Ảnh 1.

Khách hàng thận trọng khi chuyển khoản

NGỌC DƯƠNG

Tình trạng chuyển nhầm tiền khi khách hàng tự thực hiện qua app, ngân hàng số khá phổ biến. Đại diện các ngân hàng cho biết, phải có sự đồng ý chuyển lại số tiền của chủ tài khoản thì người chuyển mới có thể nhận lại được tiền. Ngân hàng không được phép can thiệp vào tài khoản khách hàng, kể cả việc khoanh tài khoản. Thực tế, có những trường hợp chủ tài khoản nhận tiền không thể liên lạc được, tài khoản đã không hoạt động từ nhiều năm, hoặc tài khoản nhận tiền của ngân hàng khác dẫn đến cần thời gian trao đổi thông tin giữa các ngân hàng với nhau… Có những trường hợp, chủ tài khoản chấp nhận chuyển khoản trả lại tiền sau khi nhân viên ngân hàng liên hệ, nhưng cũng có trường hợp không chịu trả.

Trong trường hợp người nhận cố tình không trả lại số tiền nhận nhầm, theo quy định tại khoản 1 điều 599 luật Dân sự: "Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó, nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền...".

Ngoài ra, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, đối với tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì theo quy định bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Đối với người nhận nhầm tiền, trong trường hợp muốn trả lại tiền cho người chuyển cũng nên liên lạc và thông qua ngân hàng để thực hiện chuyển trả cho đúng, tránh trường hợp rơi vào bẫy lừa đảo. Trong thời gian qua, một số vụ lừa đảo chuyển nhầm tiền rồi sau đó xin chuyển lại qua 1 tài khoản khác. Người nhận tiền chuyển trả lại số tiền này theo tài khoản người kia cung cấp mà không xác định được tài khoản đó không phải là số tài khoản đã chuyển nhầm. Sau đó, chủ tài khoản chuyển tiền liên lạc đòi lại số tiền đã chuyển nhầm. Chính vì vậy, trong trường hợp muốn trả lại số tiền cho người chuyển nhầm, khách hàng nên thông báo cho phía ngân hàng để xử lý.

Để tránh những phiền phức khi chuyển khoản, chủ tài khoản cần kiểm tra kỹ những thông tin người nhận, số tiền trước khi xác nhận chuyển. Để tránh nhầm lẫn cho khách hàng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tuyến, một số ngân hàng thực hiện bôi đỏ tên người thụ hưởng và số tiền chuyển để tạo sự chú ý cho khách hàng trước khi xác nhận giao dịch. Ngoài ra, trên các app giao dịch, ngân hàng cho phép lưu lại những tài khoản đã giao dịch trước đó, điều này không những tránh nhầm lẫn mà thao tác chuyển khoản cũng nhanh hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.