Làm gì khi bị dị ứng?

An Dy
An Dy
28/04/2021 08:14 GMT+7

Dị ứng là một phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài, nó có thể không gây hại nhiều cho cơ thể nhưng cũng có trường hợp sốc phản vệ cần được xử lý kịp thời.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Sương, Khoa Nội hô hấp - Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một chất lạ từ bên ngoài như phấn hoa, nọc ong, lông thú, thực phẩm... Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể để tiêu diệt chất gây dị ứng, mặc dù các chất gây dị ứng có thể không gây hại nhiều cho cơ thể. Các phản ứng của hệ miễn dịch làm viêm da, tác động đến xoang, đường thở hoặc hệ tiêu hóa. Mức độ nghiêm trọng của dị ứng thay đổi tùy cơ địa từng người, từ kích thích nhỏ đến sốc phản vệ.
Bệnh viện Đà Nẵng những ngày qua tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp dị ứng. Nam bệnh nhân P.T (70 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đang điều trị dị ứng tại Khoa Nội hô hấp, trước đó nhập viện cấp cứu trong tình trạng sần hồng ban, có tiền sử dị ứng hải sản. Bệnh nhân N.T.N (64 tuổi, ngụ H.Hòa Vang, Đà Nẵng) thì nhập viện cấp cứu trong tình trạng run toàn thân, khó thở, mẩn ngứa... dị ứng chưa xác định, nghi dị ứng meloxicam, một loại thuốc giảm đau, kháng viêm. Bệnh nhân N. được các bác sĩ theo dõi phản ứng toàn thân, kiểm soát dấu hiệu sinh tồn, quan sát tổn thương niêm mạc, tổn thương da... để có chỉ định thuốc uống và thuốc tiêm tùy tình trạng.

Cần hiểu cơ thể của mình

Dị ứng bắt đầu khi hệ thống miễn dịch của bạn nhầm một chất bình thường vô hại trở thành một mối xâm nhiễm nguy hiểm. Hệ thống miễn dịch sau đó tạo ra các kháng thể chống lại các chất dị ứng đó và lưu lại trong máu. Khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, các kháng thể này giải phóng một số hóa chất của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như histamin, gây ra các triệu chứng dị ứng.
Các tác nhân gây dị ứng phổ biến bao gồm tác nhân bên ngoài (phấn hoa, bụi, thực phẩm, thuốc...) và tác nhân nội sinh (ở ngay trong cơ thể, nhưng không tiếp xúc trực tiếp với máu, lympho bào như nhân mắt, bao myelin, tinh trùng...), do chấn thương, các tác nhân này vào máu gây phản ứng dị ứng.
Khi đó, triệu chứng của phản ứng dị ứng sẽ đa dạng, phụ thuộc vào chất gây dị ứng và cơ quan bị ảnh hưởng như đường thở, xoang và đường mũi, da và hệ tiêu hóa.
Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng, trong một số trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể kích hoạt phản ứng đe dọa đến tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Những người trong gia đình có người đã từng bị dị ứng hoặc bản thân đã từng bị dị ứng thì có nguy cơ dị ứng cao hơn bình thường.
Theo bác sĩ Sương, nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng nghi do dị ứng và các loại thuốc chống dị ứng không kê đơn mà bạn sử dụng không làm giảm các triệu chứng. Nếu có triệu chứng trên ngay sau khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, hãy liên hệ với bác sĩ đã kê đơn thuốc đó. Đối với phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, hãy gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
“Hầu hết dị ứng không thể chữa khỏi và bạn phải sống với nó suốt đời, nên cần biết và hiểu cơ thể của mình. Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng khác nhau từ người này sang người khác, bao gồm từ triệu chứng nhẹ cho đến sốc phản vệ. Có nhiều trường hợp chúng tôi cấp cứu có khả năng đe dọa cả mạng sống. Vì vậy, bệnh nhân nên đi khám ngay khi có các biểu hiện về phản ứng dị ứng, để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị hợp lý”, bác sĩ Sương tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.