Làm gì khi bạn gái kiểm soát gắt gao?

11/10/2018 12:22 GMT+7

Yêu cầu cung cấp mật khẩu Facebook, kiểm tra tin nhắn hằng ngày, muốn biết về việc đi đâu, với ai… là cách mà nhiều cô gái dùng để kiểm soát người yêu.

“Không có tật thì sao giật mình”
Là suy nghĩ mà Trần Thanh Thanh, 20 tuổi, SV Trường ĐH Sài Gòn đưa ra. Thanh cho rằng việc con gái có nhu cầu biết người yêu mình làm gì, nói chuyện với ai không có gì là quá đáng. Thanh nói: “Mình quan tâm nên mình mới cần biết, chứ người dưng mình cần để ý làm gì. Mình vẫn đọc tin nhắn của người yêu, các anh không có tật thì sao phải giật mình, bộ sợ người yêu biết 'thả thính' với cô gái khác hay sao mà không cho đọc tin nhắn”.
Hỏi các bạn nam về vấn đề trên, đa phần các bạn tỏ ra không thích nếu bị người yêu kiểm soát gắt gao. Nguyễn Nhật Phi, 21 tuổi, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Người yêu kiểm soát như vậy thì sẽ gò bó lắm, ai cũng có không gian riêng tư cần được tôn trọng”.
Cùng quan điểm đó, Phạm Đức Huy, 20 tuổi, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nếu đã muốn giấu thì người yêu có kiểm soát thế nào cũng không biết.
Huy nói: “Nếu bắt cá hai tay thì chỉ cần xóa tin nhắn, hoặc nói chuyện bằng phương tiện khác thì kiểm soát thế nào được. Quan trọng vẫn là nghĩ cho đối phương và không làm gì có lỗi với cô ấy”.
Tuy nhiên, cũng có những anh chàng rất thoải mái với việc được người yêu kiểm soát. Lê Đức Hùng, 21 tuổi, SV Trường ĐH Mở TP.HCM chia sẻ: “Mình vẫn đưa mật khẩu Facebook cho người yêu, đi đâu với ai cũng nói cho cô ấy biết. Người yêu mình hay ghen nên mình nghĩ chi bằng khiến cô ấy an tâm”.
Kiểm soát thái quá sẽ phản tác dụng
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cảm xúc gắn bó là một đặc trưng của con người, chúng ta có xu hướng gắn bó với bạn bè, người mà ta tin tưởng, khi có người yêu thì gắn bó với người mình yêu, khi kết hôn thì gắn bó với người hôn phối, điều này là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, khi con người trở nên kiểm soát đối phương thái quá thì mối quan hệ gắn bó ấy trở nên có vấn đề.
Anh Công cho biết: “Có thể mối quan hệ đó làm cho các bạn thấy lo âu, đây là kiểu gắn bó không an toàn. Lý do có thể là bạn mất niềm tin với người mình yêu trong quá khứ vì một hành động phản bội hay một sự việc khiến bạn không còn tin tưởng. Chính vì thế bạn cần sự kiểm soát đặc biệt với người mình yêu. Nhưng việc kiểm soát đặc biệt này còn phụ thuộc vào chính bạn, có nhiều bạn mang trong mình 'nhân cách lo âu' nên thường phóng chiếu những suy nghĩ, cảm xúc lo âu của mình vào đối phương”.
“Lý do nữa chính là việc bạn dành quá nhiều sự quan tâm, tình cảm của mình cho người yêu, nhưng cái bạn nhận được lại không như những gì mình bỏ ra. Chính vì thế mà bạn cảm thấy bất công, đau khổ. Như thế, việc kiểm soát người yêu là cách bạn phòng vệ với những bất công này”, anh Công nói thêm.
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công đưa ra lời khuyên để các bạn trẻ có thể giải quyết được tình trạng trên: “Bạn hãy dành thời gian và nguồn lực cho bản thân song song với dành cho những người thân yêu. Khi bạn khỏe mạnh bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ lành mạnh. Bạn cũng không nên quá kỳ vọng vào các mối quan hệ mà hãy cùng nhau đặt ra mục tiêu. Thay vì cứ đơn phương kỳ vọng, bạn hãy cùng thảo luận những mong đợi cùng đối phương, kiên trì và luôn chia sẻ cùng nhau, bạn sẽ xây dựng một mối quan hệ tích cực hơn. Về kỹ năng, bạn nên học cách lắng nghe nhiều hơn. Hãy tập nói rõ cảm xúc của mình thay vì cứ khư khư giữ nó. Lưu ý nói rõ cảm xúc chứ không phải bộc lộ cảm xúc tiêu cực bằng những lời lẽ xúc phạm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.