Làm gì để nhận lại tiền thuế thu nhập cá nhân đã đóng?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/03/2023 17:17 GMT+7

Những khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, hay những khoản thu nhập theo thời vụ… được nhận trước khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10% khiến người lao động bức xúc. Tuy nhiên số tiền này có thể lấy lại được trong trường hợp cá nhân thực hiện quyết toán thuế và nộp dư.

Quyết toán thuế để nhận lại số thuế nộp dư

Chị Thu Thủy (TP.Hà Nội) cho hay: "Tâm lý mọi người ngại đi làm các thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân nên tự gây thiệt cho mình và lãng phí số tiền mà mình đã làm ra". Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Thu Thủy cho biết trong 2 năm qua đã thực hiện quyết toán thuế TNCN chị nhận lại số tiền hoàn thuế lần lượt là 42 triệu đồng và 26 triệu đồng. Hiện chị Thủy đang chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế năm 2022 với kỳ vọng nhận về số thuế đã đóng trước đó kha khá.

Để nhận lại tiền thuế thu nhập cá nhân đã đóng? - Ảnh 1.

Chuẩn bị quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022

NGỌC THẮNG

Chị Thuỷ kể, trước đây, chị làm cho một công ty bất động sản với mức thu nhập khoảng 130 triệu đồng/tháng. Thu nhập của chị tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần đã đụng mức thuế suất cao nhất 35%. Thấy số thuế đóng khá cao, chị Thủy mới đi làm các thủ tục chứng minh thêm 5 người phụ thuộc. Sau khi nghỉ việc ở công ty này, chị Thủy nhận công việc theo hợp đồng 4 tháng ở một công ty khác với số tiền 500 triệu đồng. Nguyên tắc của kế toán là tạm trừ 10% thuế TNCN cho khoản chi trên 2 triệu đồng nên chị Thủy trước khi nhận số tiền trên cũng phải tạm nộp 50 triệu đồng tiền thuế. Thế nhưng trong năm đó, công việc của chị không mấy ổn định nên không phát sinh nhiều thu nhập. Đến khi đi quyết toán thuế, số tiền 500 triệu đồng trong 4 tháng trên cộng với một số thu nhập khác (không đáng kể) chia đều cho 12 tháng. Sau khi trừ đi gia cảnh cho người nộp thuế, số tiền thuế chị Thủy đã nộp trước đó dư đến mấy chục triệu đồng.

"Thực ra tôi cũng ngại đụng đến các thủ tục giấy tờ, nhất là về thuế vì không có chuyên môn, nghiệp vụ gì về lĩnh vực này. Thời gian đầu, tôi thuê đại lý thuế hướng dẫn các thủ tục và kê khai thuế. Sau này thất nghiệp nên có thời gian, tôi tự kê khai cũng đơn giản chứ không khó như mình tưởng"- chị Thuỷ nhận xét và cho biết, chị kê khai điện tử rồi gửi đi và in thêm 1 bản nữa gửi đến cơ quan thuế. Khoảng vài tuần sau, tài khoản ngân hàng của chị nhận được tiền hoàn thuế trên. "Trước đây, mỗi lần nhận tiền gì bị trừ ngay 10% thuế, tôi khá bức xúc và cứ tưởng vậy là xong mà không để ý là số tiền này chỉ mới tạm nộp. Đến phần quyết toán thuế cá nhân mỗi năm mới biết được số tiền mình đóng thêm hay được trả lại. Đối với cá nhân làm việc tự do có phát sinh nộp thuế thì nên lưu ý lấy chứng từ đã nộp thuế tại doanh nghiệp trả thu nhập để có thể lấy lại được số tiền này nếu chưa đến mức phải chịu thuế trong năm"- chị lưu ý.

Trong công văn mới đây của Cục thuế TP.HCM về việc thu thuế TNCN đối với công nhân nhận trợ cấp thất nghiệp từ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, cơ quan thuế hướng dẫn công ty tạm khấu trừ thuế 10% đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc trả cao hơn mức quy định của bộ luật Lao động và luật Bảo hiểm xã hội là thực hiện theo quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC. Thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo năm và sẽ thực hiện quyết toán thuế khi kết thúc năm. Khi quyết toán thuế TNCN, người lao động được giảm trừ các khoản giảm trừ cho bản thân là 132 triệu đồng/năm (11 triệu đồng/tháng); mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng, giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Nếu phần thuế TNCN phải nộp trong năm 2023 của người lao động thấp hơn khoản đã tạm khấu trừ thì người lao động được hoàn thuế. Thủ tục hoàn thuế TNCN được thực hiện đơn giản theo phương thức điện tử (người lao động không cần đến cơ quan thuế nộp hồ sơ, thực hiện kê khai quyết toán thuế TNCN theo phương thức điện tử).

Chuẩn bị vào ‘mùa’ quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Theo Tổng cục Thuế, thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2022 đối với hồ sơ của tổ chức chậm nhất là ngày 31.3; đối với hồ sơ của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là ngày 30.4 (thường sẽ được tính bù thành ngày 2.5).

Các đối tượng phải nộp quyết toán thuế TNCN gồm tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân có ủy quyền mà không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không. Đối với việc ủy quyền quyết toán thuế TNCN, người lao động ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm thực hiện quyết toán thuế.

Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế khi có số thuế phải nộp thuế, nộp thừa đề nghị hoàn, bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ trường hợp số thuế phải nộp thuế sau khi quyết toán của từng năm dưới 50.000 đồng trở xuống; thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp và không yêu cầu hoàn thuế, bù trừ vào kỳ tiếp theo…

Một số đối tượng không phải nộp quyết toán thuế TNCN gồm tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập; cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống sẽ không phải quyết toán thuế; cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Hoặc, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Trường hợp người nộp thuế chậm quyết toán thuế TNCN, căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng. Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp. Cụ thể, tiền chậm nộp tiền phạt tính theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt nộp chậm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.