Làm gì để người dân dùng dịch vụ công trực tuyến?

02/06/2022 04:22 GMT+7

Việc đưa thêm hàng trăm thủ tục hành chính lên giải quyết trực tuyến là cần thiết nhưng quan trọng hơn là giải pháp để người dân sử dụng để tránh lãng phí nguồn lực.

Nơi 100%, nơi chưa được phân nửa

Khi nói về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại TP.HCM thì điểm sáng nhất là Q.1 khi 100% hồ sơ đã cung cấp DVCTT được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến chứ không nhận trực tiếp. Để đạt kết quả đó, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Q.1, cho hay khi nhận hồ sơ trực tiếp tại trụ sở, công chức sẽ hướng dẫn người dân các bước làm trực tuyến để thao tác cho quen tay, sau này biết cách làm thủ tục khác. Đối với người dân ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến, sau khi tiếp nhận, công chức sẽ rà soát và phản hồi qua email, hoặc gọi điện thoại lại để hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh giấy tờ.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng UBND Q.3, TP.HCM

Sỹ Đông

Ngoài ra, từ tháng 4.2021, UBND Q.1 triển khai dịch vụ định danh điện tử, sử dụng tính năng nhận diện ký tự quang học và định danh, tìm kiếm bằng khuôn mặt giúp người dân giảm thao tác điền thông tin. Đến nay, có 2.618 hồ sơ sử dụng tính năng định danh điện tử. Ông Tuấn nói mô hình này giúp phân loại thành phần hồ sơ, kiểm tra dễ dàng hơn so với thủ công bằng giấy. Bên cạnh đó, các thông tin trên CMND/CCCD của người dân được hệ thống bóc, tách và điền sẵn, giảm sai sót do nhập liệu. “Hình ảnh gương mặt của người dân được lưu trữ riêng tại máy chủ của quận hỗ trợ tra cứu nhanh tình trạng giải quyết hồ sơ mà không cần nhập thông tin số biên nhận hoặc CMND/CCCD”, ông Tuấn cho biết.

Dù vậy, không phải địa phương nào cũng đạt được tỷ lệ cao như Q.1, nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Như tại Q.3, dù quận đưa 34/195 thủ tục lên cổng DVCTT nhưng chỉ có 11 thủ tục phát sinh hồ sơ. Trong đó, lĩnh vực nhiều hồ sơ nộp trực tuyến nhất là kinh tế với tỷ lệ 93%; kế đến là lĩnh vực đô thị với các thủ tục như cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sửa chữa, cải tạo nhà ở; thấp nhất là tư pháp chỉ nhận 11% hồ sơ trực tuyến. Tính chung, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của Q.3 đạt hơn 45%.

Về lý do tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa cao như kỳ vọng, bà Đậu Thị Quỳnh Liên, Phó chánh văn phòng UBND Q.3, cho rằng địa bàn có diện tích nhỏ, đi lại thuận tiện và tâm lý người dân muốn trực tiếp đến nộp hồ sơ tại quận để nhờ công chức giải đáp thắc mắc hoặc bổ sung giấy tờ còn thiếu. Ngoài ra, còn nhiều lý do khiến nhiều người dân chưa “mặn mà” với DVCTT như người lớn tuổi không quen sử dụng máy tính, thủ tục dùng từ ngữ chuyên ngành, khi thắc mắc không biết hỏi ai…

Liên thông dữ liệu toàn thành phố

Tính đến cuối năm 2021, TP.HCM đã đưa 805/1.766 thủ tục giải quyết qua cổng DVCTT mức độ 3 và mức độ 4. Năm nay, TP.HCM đặt mục tiêu đưa 100% thủ tục đủ điều kiện lên giải quyết trực tuyến (428 thủ tục), trong đó có 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Để thủ tục đưa lên là có người dùng, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho hay sẽ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật để người dân dễ sử dụng, dễ thao tác. Bên cạnh đó, các quận, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lập tổ hỗ trợ tại các phường, xã, thị trấn. Vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết giảm 50% lệ phí đối 6 thủ tục khi làm trực tuyến gồm: đăng ký cư trú, hộ tịch, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất.

Ngoài ra, một bước quan trọng cần phải làm sớm là định danh số, khi đó người dân sẽ được hưởng lợi ích không chỉ làm DVCTT mà còn việc học hành của con cái, hoặc các dịch vụ khám chữa bệnh. Mục tiêu cuối cùng là các dịch vụ và dữ liệu dùng chung được đưa lên Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử TP.HCM chứ không đứt quãng, rời rạc ở từng đơn vị. “Khi đó, người dân Q.1 nộp hồ sơ nhưng cơ quan ở Q.5 cũng có thể khai thác dữ liệu được thông tin cá nhân chung như tên tuổi, căn cước công dân, quê quán”, bà Trinh nói.

Theo Nghị định 61/2018, hồ sơ cá nhân của người dân chỉ nộp một lần và dùng lại, chứ không phải nộp nhiều lần cùng một loại hồ sơ cho các đơn vị khác nhau. Bà Trinh cho biết TP.HCM sẽ có giải pháp và yêu cầu các đơn vị phải số hóa hồ sơ và gửi kết quả xử lý lên kho dữ liệu dùng chung để cả thành phố cùng sử dụng.

Ngoài ra, UBND TP.HCM đã rà soát và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực thi bãi bỏ 279 thủ tục hành chính thuộc 12 lĩnh vực không phát sinh hồ sơ từ năm 2018 đến nay.

Sắp thoát cảnh “đổ mồ hôi” đi trích lục hộ tịch

Ngày 1.6, UBND TP.HCM đã đồng ý với đề xuất của Sở Tư pháp về việc triển khai thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn. Qua hơn 3 năm triển khai, đến nay Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện đã hoàn thành việc số hóa 4 loại sổ: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con với hơn 12,8 triệu hồ sơ. Các dữ liệu này hiện được lưu trữ tại Kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM.

UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở TT-TT hướng dẫn các địa phương chuyển toàn bộ dữ liệu hộ tịch này vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Đồng thời, thí điểm kết nối, vận hành, khai thác dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM thông qua hệ thống của Bộ Tư pháp. Việc này giúp Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn có thể cấp bản sao trích lục 4 loại giấy tờ: kết hôn, khai sinh, khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con của người dân mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú.

UBND TP.HCM cũng giao các quận, huyện xây dựng quy trình nội bộ trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền theo hướng giảm các giấy tờ hộ tịch phải nộp trong trường hợp có thông tin trong Kho dữ liệu dùng chung, ưu tiên triển khai trước các thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch.

Chỉ 25% hồ sơ được xử lý trực tuyến

Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến tháng 5.2022, hơn 97% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp dưới hình thức DVCTT mức độ 4. Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu về tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ với gần 87%, TP.HCM xếp thứ 2 với 82%, thứ 3 là Lai Châu với hơn 63%... Về tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với hơn 73%. Mặc dù vậy, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến còn hạn chế, tỷ lệ trung bình cả nước chưa tới 25%.

Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, Bộ TT-TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn hóa các quy trình, thủ tục hành chính để bảo đảm cung cấp các DVCTT mức độ 4; hợp nhất cổng dịch vụ công với hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh để tạo lập hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT cũng kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, ký ban hành nghị định quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thay thế Nghị định số 43/2011, nhằm tạo môi trường pháp lý thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.