Lâm Đồng tìm cơ chế vốn để 'xóa' nhà kính ở nội ô Đà Lạt

09/11/2023 08:00 GMT+7

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội ô TP.Đà Lạt sẽ không còn diện tích nhà kính cần nguồn kinh phí rất lớn, các ngành chức năng đang tìm nguồn tín dụng ưu đãi để thực hiện việc này.

Nhu cầu vốn đến 4.820 tỉ đồng

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đưa ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà kính giảm 20% và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt so với hiện trạng năm 2022 (khoảng 2.500 ha).

Lâm Đồng tìm cơ chế vốn để 'xóa' nhà kính ở nội ô Đà Lạt - Ảnh 1.

Nhà kính “trắng trời” Đà Lạt

Theo đó, kinh phí cần huy động để thực hiện việc di dời, cải tạo và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời dự kiến khoảng 4.820 tỉ đồng; trong đó giai đoạn 2023-2025 nhu cầu kinh phí cần 964 tỉ đồng. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện di dời, cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới nhà kính đạt tiêu chuẩn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi là hết sức cần thiết.

Do đó, mới đây, Sở NN-PTNT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cùng Agribank chi nhánh tỉnh Lâm Đồng xem xét đề xuất giải pháp thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh (văn bản số 52/TB-UBND ngày 16.2.2023) xây dựng gói tín dụng riêng để thực hiện việc này. Tuy nhiên, 2 đơn vị nói trên đều có ý kiến đồng quan điểm rằng, việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng để xây dựng mới, di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính rất khó thực hiện. Bởi việc xây dựng các chính sách tín dụng phải có chủ trương của Hội sở các Ngân hàng thương mại triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực và có sự thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trần Ngọc Vinh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, cho hay do nhu cầu di dời, cải tạo, chỉnh trang nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là đề án chuyên biệt, riêng có của Lâm Đồng (phạm vi áp dụng hẹp gồm địa bàn TP.Đà Lạt và một số huyện lân cận) nên rất khó đề xuất gói tín dụng của Chính phủ hay cấp Bộ.

Giải pháp nào tìm nguồn tín dụng ưu đãi?

Tại buổi làm việc của 3 đơn vị, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ NN-PTNT và Agribank Việt Nam phối hợp xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, để có cơ sở xây dựng gói tín dụng ưu đãi áp dụng riêng ở Lâm Đồng này cần phải có tiêu chí đánh giá nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí kỹ thuật. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức xây dựng nhà kính.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Châu, trên cơ sở buổi làm việc, Sở đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trước mắt ưu tiên và tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân vay vốn triển khai thực hiện Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu theo các chương trình tín dụng mà Chính phủ đã ban hành (Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24.4.2017 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7.3.2017 của Chính phủ).

Lâm Đồng tìm cơ chế vốn để 'xóa' nhà kính ở nội ô Đà Lạt - Ảnh 2.

Để đến năm 2030, khu vực nội ô Đà Lạt không còn nhà kính thì cần nhu cầu vốn rất lớn

Hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục vay vốn để sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, trong đó ưu tiên cho vay vốn để thực hiện di dời, cải tạo chỉnh trang nhà kính và các nội dung khác của Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay từ ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại để di dời, cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới nhà kính; phương thức hỗ trợ lãi suất là chi trả trực tiếp cho cá nhân, tổ chức phần chênh lệch lãi suất vay, tương tự như phương thức hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 44/2023/QĐ-UBND ngày 25.7.2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng, quy định về thời gian hỗ trợ lãi suất và phương thức hỗ trợ lãi suất đối với chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24.4.2017 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam để chỉ đạo, định hướng các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ nông dân vay vốn triển khai thực hiện Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (ban hành kèm theo Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 30.12023). Quá trình thực hiện nếu khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề nghị của Sở NN-PTNT về hỗ trợ một phần lãi suất vay từ ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức khi vay vốn từ các ngân hàng thương mại để di dời, cải tạo chỉnh trang, xây dựng mới nhà kính; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16.11.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.