Lâm Đồng sẽ giải tỏa 334 ha rừng bị phá, lấn chiếm để trồng lại

28/08/2020 07:34 GMT+7

Theo đề án, năm 2020 - 2030, Lâm Đồng sẽ giải tỏa 334 ha rừng bị phá, lấn chiếm để trồng lại 52.000 ha.

Ngày 27.8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chính thức ban hành đề án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030.
Theo đề án, năm 2020 - 2021, các cơ quan, đơn vị liên quan phải kiên quyết giải tỏa, tổ chức trồng lại rừng trên diện tích 334 ha rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây, bố trí lực lượng tại chỗ kiểm tra, tránh bị tái lấn chiếm. Ngoài ra, từ năm 2021 - 2030 phải khôi phục lại độ che phủ rừng với diện tích hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 phải thực hiện cho được khoảng 20.000 ha, diện tích còn lại thực hiện trong các năm tiếp theo (2026 - 2030).
Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm hướng dẫn về mật độ cây trồng, quy trình chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, vùng sản xuất nông nghiệp trên cơ sở lấy mục tiêu phát triển kinh tế nông lâm (hoặc lâm nông) kết hợp là chủ đạo. Sau khi hoàn thành việc trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích phục hồi rừng và tính độ che phủ rừng, diện tích này được lập hồ sơ giao khoán cho các hộ theo quy định hiện hành và được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc từ nguồn giao khoán khác…
Đề án cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan để xảy ra vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện đề án. Giai đoạn 2020 - 2025, huy động gần 260 tỉ đồng để thực hiện đề án; trong đó vốn ngân sách chiếm 35%, lồng ghép kinh phí từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chiếm 12%, vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và nhân dân chiếm 53%. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ, bố trí nguồn vốn để thực hiện đề án theo quy định và phù hợp với thực tiễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.