Lâm Đồng: Rừng gần khu vực thác Prenn tiếp tục bị lấn chiếm, san ủi trái phép

03/03/2022 18:52 GMT+7

Nhiều khoảnh rừng tại tiểu khu 267C, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), gần khu vực thác Prenn tiếp tục bị lấn chiếm, san ủi trái phép, cơ quan chức năng đã thu giữ phương tiện san ủi.

Chiều 3.3, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng (Lâm Đồng), ký văn bản yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh, UBND xã Hiệp An lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý đối với các hành vi san ủi đất lâm nghiệp trái phép tại tại khoảnh 3, 4 tiểu khu 267C, xã Hiệp An, gần khu vực thác Prenn, TP.Đà Lạt.

Giá bất động sản tăng cao, rừng gần thác Prenn tiếp tục bị lấn chiếm, san ủi

Hiện trường vụ san ủi đất lâm nghiệp tại TK 267C

lâm viên

Theo đó, vào ngày 24.2, Ban QLRPH Đại Ninh và UBND xã Hiệp An phát hiện vụ san gạt đất lâm nghiệp trái phép tại khoảnh 3, 4 tiểu khu 267C. Thời điểm đó, ông Lê Thái Huy (ngụ xã Hiệp An, Đức Trọng) đang san gạt gần 2.000 m2 đất lâm nghiệp là đất rừng sản xuất. Cùng ngày, cơ quan chức năng lập biên bản ông Hoàng Đại Minh (ngụ xã Liên Hiệp, Đức Trọng) dùng máy đào hiệu Hyundai lấn chiếm, đào hồ chứa nước rộng 1.700 m2. Cơ quan chức năng xã Hiệp An đã thu giữ phương tiện san ủi đất lâm nghiệp trái phép.

Xe san ủi đất trái phép bị bắt giữ

lâm viên

Trước đó, ngày 22.2, Ban QLRPH Đại Ninh phát hiện ông Rho Da Ra Nuy (ngụ thôn K’Rèn, xã Hiệp An, Đức Trọng) lấn chiếm 3.000 m2 đất rừng tại khoảnh 3 tiểu khu 267C…

Rừng tại TK 267C bị đốn hạ và đốt cháy

lâm viên

Như Thanh Niên đã phản ánh, trong năm 2021, các cơ quan chức năng H.Đức Trọng phát hiện và bắt quả tang tại tiểu khu 267C nhiều vụ cưa hạ thông 3 lá để chiếm đất sản xuất. Cũng trong năm 2021, Ban QLRPH Đại Ninh phối hợp với Hạt Kiểm lâm H.Đức Trọng đã tổ chức giải tỏa nóng 4,6 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cà phê, mai anh đào, chuối… tại tiểu khu 267C

Rừng thông tại TK 267C bị triệt hạ năm 2021

lâm viên

Thế nhưng, sáng 3.3, có mặt tại tiểu khu 267C, PV Thanh Niên chứng kiến khu vực xung quanh nhà bảo vệ rừng của Ban QLRPH Đại Ninh có nhiều khoảnh rừng tiếp tục bị lấn chiếm, bị đốt để đào hố trồng cà phê, mít, chuối và cả hoa mai anh đào. Nhiều sườn đồi, khe núi đã được cạo trọc, cày xới, san ủi và cải tạo thành những thửa đất đẹp. Có những khu rừng bị ken gốc, bị đầu độc chết khô… và đóng cọc sắt làm ranh chia phần.

Rừng tại TK 267C tiếp tục bị lấn chiếm, triệt hạ

lâm viên

Đất rừng tại TK 267C tiếp tục bị lấn chiếm trái phép

lâm viên

Không có chuyện “bảo kê” để người dân phá rừng

Theo ông Hồ Hữu Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, (Đức Trọng) cho biết: “Do tình hình giá bất động sản tại Hiệp An tăng cao, một số đối tượng đã lấn chiếm đất rừng, phá rừng rồi sang nhượng lại cho người khác để thu lợi bất chính. Trong năm 2021, xã Hiệp An đã tập trung xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng, san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép trên 50 trường hợp. Chúng tôi đã kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, san gạt mặt bằng trái phép”.

Rừng tại TK 267C bị san ủi nham nhở

lâm viên

Đất rừng gần nhà bảo vệ rừng tại TK 267C được đóng cọc phân lô

lâm viên

Còn ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh, cũng thừa nhận do địa bàn xã Hiệp An cận kề TP.Đà Lạt nên người dân thường xuyên tác động, lấn chiếm để sang nhượng trái phép. Ông Nhẫn khẳng định không có chuyện “bảo kê” để người dân phá rừng, chiếm đất rừng. Hầu hết những vụ vi phạm đều được lập biên bản và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Rừng bị cạo trọc và san ủi trái phép tại TK 267C

lâm viên

Chiều 3.3, ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, cho biết đã giao Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Phòng TN-MT, các đơn vị liên quan chỉ đạo các lực lượng, bộ phận chuyên môn phối hợp, hỗ trợ Ban QLRPH Đại Ninh, UBND xã Hiệp An tăng cường quản lý bảo vệ rừng, đất đai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tại khoảng 3,4 tiểu khu 267C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.