Làm chủ công nghệ quốc phòng

22/12/2022 04:20 GMT+7

Hiện đại hóa là vấn đề tất yếu đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Do đó, công nghiệp quốc phòng và việc làm chủ công nghệ phục vụ cho quốc phòng có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng quân đội hiện đại.

Khí tài hiện đại “Made in Vietnam”

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều trang thiết bị quốc phòng do Việt Nam nghiên cứu và chế tạo đã lần đầu được giới thiệu. Nổi bật nhất là đài radar VRS-2DM, hệ thống radar tầm trung 3D, các dòng máy bay không người lái (UAV) trinh sát, súng tiểu liên Việt Nam (STV) và công nghệ đóng tàu nội địa.

Hệ thống VRS-2DM là dòng radar thế hệ thứ 3 được thiết kế với khả năng phát hiện các mục tiêu xa hàng trăm ki lô mét, đặc biệt toàn bộ tổ hợp được thiết kế để triển khai và thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện hoặc thủy lực, giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống còn bằng 1/4 so với các thế hệ đài cũ. Đây là radar được ​​Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu, chế tạo; bắt đầu được đưa vào trang bị ở một số đơn vị trong Quân chủng Phòng không - Không quân và được đánh giá vượt trội hơn một số thế hệ đài radar cảnh giới tầm thấp từng được sử dụng.

Các loại máy bay không người lái (UAV) do Viettel nghiên cứu

Đậu Tiến Đạt

Bên cạnh đó, VHT còn có hệ thống radar tầm trung 3D với khả năng phát hiện, định vị các mục tiêu bay ở độ cao và cự ly tầm trung. Phát hiện, định vị mục tiêu ở cự ly đến 360 km, độ cao dưới 25 km với các loại mục tiêu như máy bay dân dụng hay máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng. Hệ thống còn cung cấp thông tin mục tiêu: cự ly, phương vị, độ cao, vận tốc và có khả năng chống tác chiến điện tử.

VHT cũng đang phát triển các loại UAV cảm tử, cất hạ cánh thẳng đứng, đa nhiệm. Giai đoạn tiếp theo, tổng công ty này sẽ nghiên cứu các dòng UAV cỡ lớn mang vũ khí. Mục tiêu đến năm 2025, VHT sẽ phát triển các dòng UAV tiến gần với thế hệ thứ 4 sở hữu những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.

Về vũ khí trang bị bộ binh, Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) cho ra mắt mẫu súng trường STV (viết tắt của súng tiểu liên Việt Nam). Các biến thể của súng trường STV có kiểu dáng hiện đại, có nhiều nét tương đồng với súng trường AK và Gali Ace. Các biến thể của súng trường STV (như STV 215 hay STV 380) của Nhà máy Z111 có thể tác chiến ở môi trường khắc nghiệt như nước, cát, nhiệt độ âm, có độ bền cao hơn so với súng cùng chủng loại của một số nước.

Ngành đóng tàu của CNQP Việt Nam cũng đã chủ động đóng mới được 50 chủng loại tàu, trong đó nhiều loại tàu chiến hiện đại, tàu pháo, tàu tên lửa, tàu hỗ trợ tàu ngầm, tàu cảnh sát biển, tàu cho lực lượng kiểm ngư.

Các loại tàu được đánh giá là hiện đại nhất trong lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là các tàu tuần tra 2.500 tấn lớp DN-2000 có số hiệu 8001, 8002, 8004, 8005 do Nhà máy Sông Thu (Z189) chế tạo theo thiết kế của Tập đoàn Damen (Hà Lan). Năm 2021, Nhà máy Z189 thuộc Tổng cục CNQP đã tổ chức bàn giao tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 (số hiệu tàu 927 - Yết Kiêu) cho Quân chủng Hải quân. Tàu được trang bị hệ thống động lực, trang bị khí tài, thiết bị y tế, cứu sinh, cứu nạn tàu ngầm hiện đại, thời gian hoạt động liên tục trên biển có thể lên tới 30 ngày đêm.

Từ những khẩu súng dành cho bộ binh, đến các trang thiết bị hiện đại như radar hay UAV, cho thấy Việt Nam đã từng bước không chỉ đa dạng hóa mà còn tự chủ mạnh mẽ năng lực quốc phòng.

Tàu cứu hộ tàu ngầm 927 - Yết Kiêu

Định hướng phát triển CNQP Việt Nam hiện đại

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó chính ủy Tổng cục CNQP, khẳng định nếu Việt Nam chỉ lệ thuộc vào một quốc gia hoặc một khu vực nào đấy để mua sắm vật tư cũng như thiết bị cho quốc phòng thì rất khó khăn cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, ngành CNQP Việt Nam đã và đang nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ các loại khí tài, thiết bị quân sự hiện đại phục vụ quân đội. Đến nay, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ cho chế tạo vũ khí trang bị như cơ khí chính xác, quang điện tử, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông…

Từ đó, đã cho ra đời những trang thiết bị quốc phòng “Made in Vietnam” như các loại súng trang bị cá nhân, các loại đạn kích cỡ khác nhau cho các loại súng cá nhân, đạn cối đến 100 mm, đạn pháo đến 155 mm, khí tài quang học, các sản phẩm công nghệ cao như radar hay UAV và công nghiệp đóng tàu.

Theo đại tá Dương Văn Yên, Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP, các sản phẩm do Việt Nam chế tạo đều có chất lượng sản phẩm ngày càng ổn định, nâng cao và đã đưa vào trang bị, đáp ứng nhu cầu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội và một số sản phẩm đã được xuất khẩu cho một số nước.

Hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp quốc phòng

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam vừa qua với sự tham gia của 174 doanh nghiệp (DN) CNQP từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ là cơ hội để các DN CNQP Việt Nam trao đổi, làm việc với các công ty, DN quốc phòng nước ngoài. Tại gian hàng của các DN thuộc Tổng cục CNQP, đã có hơn 80 buổi tiếp, làm việc song phương với các DN, tập đoàn CNQP nước ngoài.

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó chính ủy Tổng cục CNQP, cho biết thông qua triển lãm quốc phòng, Việt Nam muốn đa dạng hóa trong tất cả những nội dung cần hợp tác, quan hệ, trong đó có việc mua sắm, trang bị vũ khí và vật tư cho CNQP.

Các DN CNQP của các nước cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển các loại khí tài thế hệ mới. Ông Shri P.Radhakrishna, Giám đốc sản phẩm của Bharat Dynamics Limited, một trong những công ty lớn của Ấn Độ về quốc phòng, khẳng định hợp tác với Việt Nam hiện nay là rất quan trọng. Công ty này đã sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ với ngành CNQP Việt Nam để phát triển và cùng sản xuất các loại trang thiết bị mà hai bên cùng quan tâm.

Ông Yên cũng cho biết CNQP Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, hiện đại hóa các loại trang bị mới cho lực lượng vũ trang trên 5 nhóm sản phẩm, gồm: vũ khí trang bị cho lục quân (súng, đạn, pháo, vũ khí có điều khiển); tàu quân sự, vũ khí dưới nước (tàu chiến, mìn, thủy lôi, ngư lôi…); tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự (tên lửa phòng không, tên lửa đối hải…); khí tài quân sự (radar thế hệ mới, thiết bị trinh sát điện tử, thiết bị quang điện tử…); vật tư kỹ thuật (các loại vật liệu, vật tư đặc chủng).

Tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ trí tuệ nhân tạo; công nghệ sản xuất chip bán dẫn; công nghệ thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ; tác chiến không gian mạng; phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh… phục vụ phát triển CNQP. Đây là những công nghệ nền phục hoạt động nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm CNQP công nghệ cao, lưỡng dụng, thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc gia và đang được nhiều nước trên thế giới đầu tư phát triển.

Với đường lối quốc phòng Việt Nam xác định phòng vệ là chính, củng cố tiềm lực quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Việt Nam cần phải đa dạng hóa khí tài với các kiểu chiến tranh hiện đại và chủ trương xây dựng, phát triển CNQP đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí trang bị hiện đại, vũ khí chiến lược, nâng cao sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.