Lắm chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/08/2020 17:46 GMT+7

Các ngân hàng, công ty tài chính gần đây đưa ra cảnh báo về hàng loạt những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng, ngân hàng.

Giả mạo ngân hàng, công ty tài chính lừa đảo

Theo Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), kẻ gian đã giả mạo nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo như sử dụng hình ảnh của cán bộ nhân viên ngân hàng, hình ảnh mang biểu tượng của ngân hàng làm thông tin cá nhân; lập tài khoản Facebook, Zalo… dưới tên, hình ảnh tổ chức ngân hàng. Sau đó, tài khoản giả mạo trực tiếp liên hệ với khách hàng qua các kênh mạng xã hội Facebook, Zalo... để thông báo về việc được phê duyệt hồ sơ vay tín chấp và yêu cầu khách hàng thanh toán một khoản tiền bảo hiểm khoản vay trước khi nhận được tiền vay, cung cấp số tài khoản cá nhân cho khách hàng để thực hiện giao dịch.
SeABank thì khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước mọi giao dịch online, không thực hiện theo những chào mời và hướng dẫn của đối tượng lạ; không thực hiện nhận hồ sơ vay qua các trang mạng, ứng dụng xã hội hoặc bất cứ trung gian nào. Đồng thời, SeABank không yêu cầu khách hàng chuyển khoản bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay. Quy trình vay vốn tại SeABank được thực hiện đầy đủ các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ theo quy định. Khi phát hiện bị lừa đảo, ngoài việc thông báo cho ngân hàng, cần báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời phong tỏa tài khoản kẻ gian và tiến hành điều tra.
Kẻ lừa đảo còn giả mạo nhân viên công ty tài chính đánh vào tâm lý nhu cầu vay vốn tiêu dùng của khách hàng trong thời gian dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản và lấy cắp thông tin cá nhân. Đại diện Công ty tài chính CP Tín Việt (VietCredit) cho biết gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng tên gọi như ViCredit, V-sing Credit... để tiếp cận người đi vay trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vị đại diện khẳng định các đối tượng này không liên quan hay hợp tác với VietCredit, không thuộc quản lý của công ty và cũng không được VietCredit cấp phép để tư vấn cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ VietCredit cung cấp.
Nhóm lừa đảo sẽ chuyển đến khách hàng một thẻ nhựa và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền lên đến vài trăm nghìn đồng. Nhưng sau khi trả tiền, khách hàng không thể kích hoạt hay sử dụng chiếc thẻ này và cũng không thể liên hệ với các đối tượng gửi thẻ. Ngoài ra, kẻ gian còn áp dụng một chiêu thức lừa đảo khác là gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho khách hàng qua Zalo, Facebook… tự xưng là nhân viên tiếp thị VietCredit; gửi thư thông báo với mẫu thư tương tự của VietCredit; gửi link giả cho khách hàng, yêu cầu khai báo thông tin nhằm lấy cắp và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của khách hàng để giả mạo hồ sơ vay vốn ở nhiều tổ chức tín dụng, làm giả thẻ, xâm nhập thông tin tài khoản hay chiếm đoạt thẻ để rút tiền…

Lừa cả ngân hàng

Không những khách hàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn gửi đến các ngân hàng cảnh báo về thủ đoạn thế chấp tài sản xe ô tô sát xi (ô tô dạng bán thành phẩm, có buồng lái hoặc không có buồng lái, không có thùng chở hàng, không có khoang chở khách, không gắn thiết bị chuyên dùng).
Theo phản ánh từ phía cơ quan công an, trong quá trình điều tra đã phát hiện một số đối tượng thực hiện phương thức, thủ đoạn lợi dụng kẽ hở trong quy trình cho vay, thế chấp tài sản bằng xe ô tô sát xi để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng. Một số ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh vay vốn mua ô tô sát xi về lắp ráp thêm các phụ kiện (thùng hàng, buồng lái), hoàn thiện thành ô tô thành phẩm để đưa vào sử dụng hoặc bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tài sản bảo đảm cho khoản vay cũng chính là các xe ô tô sát xi trên.
Do xe ô tô là dạng bán thành phẩm, chưa có giấy đăng kiểm và đăng ký xe nên khi cho vay, ngân hàng chỉ giữ bản chính giấy xuất xưởng, hợp đồng mua bán, hóa đơn. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện, chủ phương tiện tiến hành đăng kiểm xe mà không cần nộp bản chính các giấy tờ ngân hàng đang giữ. Lợi dụng sơ hở này, các đối tượng sau khi đăng kiểm xe và xin cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, đem xe đi bán ảnh hưởng đến quyền xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ vay của các ngân hàng nhận thế chấp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng rà soát lại quy trình cấp tín dụng, thẩm định tài sản đảm bảo; tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát phù hợp đối với tài sản bảo đảm là xe ô tô sát xi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.