Lãi vay giảm mạnh, tín dụng vẫn tăng trưởng âm

08/03/2024 06:34 GMT+7

Trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng âm dù lãi suất cho vay giảm xuống ở mức 5 - 7%/năm. Nghịch lý này khá hiếm từ trước đến nay.

Lãi suất cho vay xuống thấp, giải ngân chậm

Nhiều doanh nghiệp (DN) chia sẻ lãi suất (LS) cho vay từ các ngân hàng (NH) hiện đã giảm nhiều so với năm 2023. Dù vậy mới những tháng đầu năm, nên việc vay vốn cũng chưa nhiều, sẽ tùy thuộc tình hình hoạt động những tháng tiếp theo.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), hiện LS vốn vay lưu động của công ty giảm còn từ 3,5 - 4,5%/năm, "chưa bao giờ thấp như thế này". Tuy nhiên, công ty vẫn còn hợp đồng vay trung dài hạn để đầu tư nhà máy trước đây thì hiện LS vẫn phải trả 9%/năm. Theo kế hoạch đặt ra, năm 2023 công ty sẽ tăng trưởng khoảng 10 - 15% doanh thu so với kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD của năm vừa qua.

Dù vậy, chỉ mới những tháng đầu năm nên thị trường chưa có nhiều thay đổi. Kinh tế năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, công ty ông chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng mới mà chỉ tùy tình hình cụ thể để vay vốn ngắn hạn cho hoạt động kinh doanh. "Hiện LS đã giảm mạnh nhưng quan trọng nhất là thị trường có tăng thì mới cần tăng vay vốn. Công ty vẫn luôn tiếp cận được nguồn vốn từ NH bởi vẫn có hoạt động ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ cũng như có tài sản đảm bảo đầy đủ", ông Lĩnh chia sẻ thêm.

Lãi vay giảm mạnh, tín dụng vẫn tăng trưởng âm- Ảnh 1.

Vẫn còn nghịch lý doanh nghiệp thiếu vốn, ngân hàng thừa vốn

NGỌC THẮNG

Tương tự, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho rằng nhu cầu vay vốn của DN hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo có thể sẽ tăng hơn do giá lúa gạo đều tăng cao. Ví dụ năm 2023, giá gạo nguyên liệu chỉ ở mức 10.000 - 11.000 đồng/kg thì nay đã lên trên 12.000 - 13.000 đồng/kg. Điều này sẽ khiến các công ty phải cần thêm nguồn vốn trong quá trình hoạt động. Hiện công ty đang trả LS từ vay NH 6,3 - 6,5%/năm, thấp hơn mức xoay quanh 7%/năm vào cuối năm vừa qua. Tuy nhiên, nếu LS giảm thêm nữa về khoảng 6%/năm, ngang bằng mức công ty đã vay của những năm trước đại dịch Covid-19 thì càng thuận lợi hơn.

Ông Huỳnh Tấn Phong, Giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Huỳnh Hải Nam, thừa nhận mấy hôm nay nhân viên NH liên tục gọi điện hối thúc giải ngân, nhưng theo ông "vay để làm gì, DN chưa có nhu cầu". Ông Phong cho biết, hạn mức công ty được NH cấp vào khoảng 48 tỉ đồng, giảm hơn so với trước đây do dòng tiền của công ty cũng giảm sút. Năm 2020 - 2021, doanh thu của công ty vào khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng năm 2022 - 2023 sụt giảm xuống còn khoảng 200 tỉ đồng.

Dù rằng hạn mức tín dụng cao nhưng dư nợ thực tế của công ty hiện chỉ ở mức 13 - 14 tỉ đồng. DN chỉ hoạt động xuất khẩu cầm chừng, có tiền về thì trả nợ NH chứ không muốn vay thêm. LS vay hiện nay của công ty đã giảm rất nhiều, chỉ ở 5,5 - 6%/năm, trong khi năm 2023 lên đỉnh ở 11%/năm. Vấn đề là khi xuất khẩu, DN làm hàng hóa mới phát sinh nhu cầu vay vốn và thực hiện nộp thuế 5%. DN xuất khẩu càng nhiều thì nộp thuế GTGT càng lớn mà không biết khi nào được hoàn lại. Thời gian hồ sơ hoàn thuế kéo dài nên DN cũng phải chờ đợi lâu nên quyết định thu hẹp hoạt động kinh doanh.

41% DOANH NGHIỆP không có tài sản vay vốn

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cho biết qua khảo sát sơ bộ các DN trong hội cho thấy họ đều cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng sử dụng vốn tự có vì hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là DN trải qua mấy năm dịch Covid-19, kinh doanh khó khăn nên báo cáo tài chính không "đẹp" để đáp ứng điều kiện vay vốn của NH đề ra. Thêm vào đó, việc đánh giá, nhận định phương án sản xuất kinh doanh, trả nợ từ phía NH đối với khách hàng cũng sẽ thấy không khả thi; dù rằng quan điểm rủi ro của từng NH khác nhau trong từng lĩnh vực nhưng cũng đã tăng lên.

Ngoài ra, hầu hết các NH khi cho vay đều yêu cầu tài sản đảm bảo cho khoản vay, mà việc định giá tài sản hiện nay thấp hơn trước đây rất nhiều. Chính vì vậy, nếu có vay được thì hạn mức tín dụng cấp cho DN cũng sẽ giảm hơn. Ông Đặng Hồng Anh kiến nghị NH nên nới điều kiện, tiêu chí cho vay thông thoáng hơn một chút để khách hàng có thể tiếp cận vốn vay.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cho rằng tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm bị âm có nguyên nhân từ tính "thời vụ" trong kinh doanh. Dịp Tết Nguyên đán, DN lo trả nợ để sau tết tính, thêm vào đó tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế chưa nhiều. Các DN nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng vì đa số khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém… để NH cho vay. Tuy nhiên, ông Tuệ cho rằng xuất khẩu cũng như một số ngành hiện nay đang khởi sắc trở lại, cùng với LS cho vay giảm gần đây từ phía NH, khả năng nhu cầu vay vốn của DN sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) gửi UBND TP.HCM mới đây, dù NH Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023 quy định cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo Nghị định 31/2022, tuy nhiên tình hình vay vốn của DN vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù NH có nhiều vốn cho vay nhưng DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay. Cụ thể là việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Có tới 41% DN khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Do đó, NH nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…

HUBA nhận định, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho DN như thời gian vừa qua.

Trước tình trạng tín dụng tăng trưởng âm 2 tháng đầu năm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi NH Nhà nước về điều hành tăng trưởng tín dụng. Sắp tới, Thủ tướng cũng sẽ có hội nghị với các NH thương mại xoay quanh vấn đề tín dụng như đánh giá nguyên nhân tín dụng thấp thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.