Lãi vay 'ăn' hết lợi nhuận của doanh nghiệp

Đình Sơn
Đình Sơn
02/03/2023 13:56 GMT+7

Lãi suất quá cao, pháp lý dự án "tắc" khó tiếp cận tín dụng trong khi doanh thu sụt giảm, thậm chí lĩnh vực bất động sản gần như đóng băng giao dịch đã khiến ngành bất động sản, thậm chí nhiều ngành nghề khác suy kiệt.

10 doanh nghiệp trả gần 1 tỉ USD lãi vay

Theo thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có quy mô lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, lãi vay đã trả trong năm trước 22.639,2 tỉ đồng, đi kèm với nợ phải trả lên tới 793.121 tỉ đồng và hàng tồn kho 314.983 tỉ đồng. Báo cáo cũng cho thấy, quy mô hoạt động của công ty bất động sản càng lớn, đồng nghĩa với việc trả lãi vay càng nhiều. Lãi suất tăng cao đã trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Điển hình, Tập đoàn Novaland (NVL) chi trả hơn 6.100 tỉ đồng lãi vay trong năm 2022, mỗi ngày phải trả gần 17 tỉ đồng, mỗi tháng trả hơn 500 tỉ đồng. NVL cho biết, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay lãi suất đã tăng gần 30%.

Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), với lãi phải trả năm 2022 lên 1.560 tỉ đồng. Hay Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) năm qua mỗi ngày phải trả 1,3 tỉ đồng lãi suất, tức khoảng 39 tỉ đồng tiền lãi suất/tháng...

Lãi suất quá cao khiến nền kinh tế suy kiệt - Ảnh 1.

Lãi vay quá cao đang là gánh nặng cho doanh nghiệp

ĐÌNH SƠN

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Trường Phát, hiện nay lãi suất khoảng 15 - 16%, cộng các chi phí khác như mua bảo hiểm, lót tay có khi lên đến 18 - 20%. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do dự án không đủ điều kiện để cho vay đã phải chấp nhận vay nóng, vay nguội bên ngoài với lãi suất đến 30 - 40%/năm. Bình quân dòng đời 1 dự án từ khi triển khai đến khi hoàn thành nếu nhanh cũng phải kéo dài từ 3 - 5 năm. Lợi nhuận tính bình quân mỗi dự án khoảng 50%. Như vậy, sau 3 - 5 năm trước đây lãi suất chiếm khoảng 36 - 60% tổng vốn đầu tư nhưng nay đã chiếm 60 - 100%/tổng vốn đầu tư. Nghĩa là chưa làm doanh nghiệp đã thấy lỗ vì lãi suất đã "ăn" hết phần lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết cơ cấu vốn của một dự án bất động sản thì vốn vay chiếm khoảng 70%. Do đó, lãi suất càng cao, doanh nghiệp càng chết sớm, nhất là trong bối cảnh pháp lý "tắc", kéo dài vô tận như hiện nay. Trong khi, tắc pháp lý đã kéo dài nhiều năm, Nhà nước đã nhìn thấy, ai cũng nhìn thấy nhưng không gỡ, trong khi luật là do con người làm ra. "Hiện ngân hàng nói vẫn có room cho bất động sản, vẫn cho vay, với điều kiện pháp lý hoàn thiện. Nhưng pháp lý không được phê duyệt thì không thể vay được. Nếu tình hình này kéo dài thêm 2 năm nữa thì lãi suất sẽ ăn hết toàn bộ dự án. Do vậy, nếu tháo gỡ vướng mắc pháp lý kịp thời thì thị trường sẽ có nguồn cung, qua đó tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, cũng chính là tháo nút thắt cho nền kinh tế", ông Nghĩa nói.

Sản xuất cũng suy kiệt

Không chỉ bất động sản, ngành sản xuất kinh doanh cũng đang "gánh" lãi suất cho vay quá cao, cộng với thị trường tiêu thụ khó khăn đã bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp. Bà Diệu Linh, Tổng giám đốc Công ty ASW, chuyên về sản xuất, kinh doanh cửa và vật liệu xây dựng cho biết, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ từ 10 - 15% nhưng hiện nay lãi suất doanh nghiệp sản xuất đang phải đi vay cũng lên đến 10% đã khiến doanh nghiệp điêu đứng.

Do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản đóng băng nên việc sản xuất, kinh doanh ngành cửa cũng bị ảnh hưởng. Bởi đến nay các dự án đã gần như tạm dừng thi công, những dự án đang thi công dở dang cũng giãn tiến độ. Những dự án đã làm xong cũng không thể lấy tiền. Chủ đầu tư nợ nhà thầu đã khiến lợi nhuận của doanh nghiệp không còn, thậm chí bị âm vốn, không còn khả năng trả lãi vay ngân hàng. Để có tiền duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng, công ty thậm chí đã phải đi vay nóng bên ngoài.

"Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Nhưng nếu không làm càng chết sớm vì không có việc làm cho công nhân, không có dòng tiền nên doanh nghiệp đành cắn răng 'cày' để công ty tồn tại, nuôi ngân hàng", bà Diệu Linh cho hay.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TP.HCM), hiện để cạnh tranh và có đơn hàng, doanh nghiệp nội chỉ có thể duy trì biên độ lợi nhuận dưới 10%. Do đó, nếu lãi suất vay vốn ngân hàng duy trì ở mức 10%/năm như hiện nay, cộng với tỷ giá đồng USD tăng, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, giá xăng dầu… đồng loạt tăng từ cuối năm 2022 đến nay, các công ty khó trụ vững, không còn lợi nhuận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.