Lại tranh luận chuyện cải tổ HĐBA LHQ

22/09/2022 06:59 GMT+7

Vấn đề cải tổ HĐBA lại nóng lên tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) tuần này, với những tín hiệu bất ngờ từ phía Mỹ.

Thế giới không chỉ có 5 nước ?

“Thế giới không chỉ có 5 nước”, AP dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ ngày 20.9. Năm nước theo lời ông Erdogan tức là 5 ủy viên thường trực của HĐBA LHQ, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga (thường gọi là nhóm P5). Cơ chế này ra đời ngay sau Thế chiến 2 và tồn tại không đổi cho đến ngày nay, bất chấp những biến động mạnh mẽ trong bức tranh chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu.

Một cuộc họp của HĐBA vào ngày 6.9

Reuters

Với quyền phủ quyết của mình, các ủy viên thường trực đã nhiều lần khiến HĐBA lâm vào tình trạng bế tắc khi đối mặt với các vấn đề quốc tế. Và đây là lý do khiến những nước như Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực thúc đẩy cải tổ HĐBA để cơ quan này trở nên “dân chủ và hiệu quả hơn”.

Cuộc tranh luận về vấn đề này đã diễn ra trong nhiều thập niên nhưng chưa đi đến đâu do khác biệt về quan điểm giữa các nhóm. Nhóm G4 - bao gồm Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Brazil - vận động để họ trở thành ủy viên thường trực HĐBA, đồng thời ủng hộ việc gia tăng số ghế không thường trực (hiện là 10 nước được bầu theo nhiệm kỳ).

Nhiều ý kiến khác

Trong khi đó, nhóm Uniting for Consensus (tạm dịch: Đoàn kết vì Đồng thuận) - dẫn đầu là Ý và bao gồm các nước như Hàn Quốc, Mexico, Canada, Argentina, Pakistan... - chủ trương giữ nguyên 5 ủy viên thường trực như hiện tại, nhưng tăng gấp đôi số ủy viên không thường trực.

Một nhóm quan trọng khác là các nước châu Phi với lập trường tăng cường số ghế thường trực lẫn không thường trực tại HĐBA, nhưng không giống hai nhóm kia, họ muốn xóa bỏ quyền phủ quyết.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ngày 20.9 kêu gọi thảo luận các bước đi cụ thể hướng tới việc cải tổ cơ quan quyền lực nhất LHQ. “Đã đến lúc bắt đầu các cuộc đàm phán dựa trên văn bản để cải tổ HĐBA”, ông nói trong bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ, theo Nikkei Asia.

Nhật Bản cùng các thành viên G4 năm 2005 đã đưa ra một dự thảo nghị quyết cho phép họ trở thành ủy viên thường trực nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ. Bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến chương LHQ đều cần có sự đồng ý của đa số 2/3 thành viên, bao gồm cả 5 ủy viên thường trực HĐBA.

Mỹ vốn đã hứng chịu chỉ trích vì thiếu nỗ lực trong vấn đề nhưng trước thềm kỳ họp ĐHĐ tuần này, Washington cho thấy họ có thể sẽ thay đổi cách tiếp cận. Trong một phát biểu mới đây, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã lên tiếng ủng hộ "các đề xuất hợp lý và đáng tin cậy" để mở rộng HĐBA.

“Chúng ta không nên bảo vệ một tình trạng không bền vững và lỗi thời. Thay vào đó, chúng ta phải thể hiện sự linh hoạt và sẵn sàng thỏa hiệp để có được sự tín nhiệm và tính chính danh ở mức độ cao hơn”, theo AFP dẫn lời bà nói.

Bà nói nhóm P5 có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì các tiêu chuẩn và cam kết Mỹ sẽ chỉ thực hiện quyền phủ quyết của mình trong “các tình huống hiếm thấy, bất thường”.

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 20.9 cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến kêu gọi cải tổ HĐBA khi ông phát biểu tại trụ sở LHQ tuần này, song không nói rõ ông Biden sẽ đưa ra đề xuất gì.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.