Lãi suất giảm, nhưng ai được vay?: Điều hành tín dụng lúc nóng lúc lạnh

17/05/2023 05:37 GMT+7

Lãi suất cao, tiếp cận tín dụng khó khăn... hàng loạt doanh nghiệp đối mặt với khó khăn. Đằng sau các câu chuyện đó là việc điều hành chính sách tín dụng giật cục, lúc phanh gấp, lúc mở toang khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Khó chồng khó

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM, cho biết công ty ông đầu tháng 5 vừa qua được giảm lãi suất (LS) cho vay từ 10,5%/năm xuống còn 10,2%/năm. Mức giảm này quá thấp so với kỳ vọng của công ty và đặc biệt là sau khi hàng loạt ngân hàng (NH) đã công bố giảm LS huy động lẫn cho vay liên tục. LS neo cao trong khi đơn hàng đến nay vẫn giảm bình quân 20 - 30%, thậm chí có nhiều đơn vị bị giảm đến 50% khiến chi phí của doanh nghiệp (DN) gia tăng, mặc dù trong lĩnh vực này tỷ lệ sử dụng vốn vay không nhiều. LS ở mức cao càng khiến DN không dám vay mà phải tự xoay xở, thu hẹp hoạt động. "Nếu trong lúc thị trường bình thường, DN vẫn bán được hàng thì LS tăng cao một tí không quá lo. Nhưng ngược lại khi hàng bán không được, đơn hàng lao dốc thì LS cao hơn 10% là khiến DN khó chồng thêm khó", ông Anh nói.

Nếu trong lúc thị trường bình thường, DN vẫn bán được hàng thì LS tăng cao một tí không quá lo. Nhưng ngược lại khi hàng bán không được, đơn hàng lao dốc thì LS cao hơn 10% là khiến DN khó chồng thêm khó.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM

Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 4 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2,6 tỉ USD, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, các DN trong ngành thủy sản lại phải đối mặt với khó khăn về vốn nên cũng khó thu mua nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu. Mới đây, trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN (VIFORES) và VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, Thủ tướng đã yêu cầu NH Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN trong tháng 5. 

Đại diện VASEP cho rằng trong những tháng qua, các DN khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, hàng bán ít đi thì dòng tiền thu về ít, trong khi vẫn phải duy trì nhân công, mua nguyên liệu để sản xuất...; từ đó rất cần vay vốn để duy trì hoạt động. Nhưng không phải lúc nào DN cũng được NH chấp thuận cho vay. Vì vậy, gói vay vốn với LS thấp nếu được thực hiện sớm sẽ có tác dụng kích cầu để các DN thu mua nguyên liệu cho nông dân, qua đó giúp họ yên tâm duy trì chuỗi sản xuất. Nếu chính sách này được triển khai, không chỉ giải tỏa được áp lực tâm lý cho chuỗi ngành hàng thủy sản mà còn góp phần giúp DN chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới.

Lãi suất giảm, nhưng ai được vay?: Điều hành tín dụng lúc nóng lúc lạnh - Ảnh 2.

Chính sách tín dụng giật cục khiến DN càng thêm khó khăn

NHẬT THỊNH

Hay dù được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng rất nhiều DN ngành du lịch cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn từ NH. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, đã nhiều lần bày tỏ bức xúc về việc không thể vay được vốn kể từ đầu năm đến nay. Khi hỏi bất kỳ NH nào thì ông cũng được trả lời là không thể, không đủ điều kiện... Ông cho rằng thời gian vừa qua, chính sách tín dụng hầu như chỉ mang tính đối phó. Do không có tính dự báo trước nên chính sách không có tính khả thi cao, đồng thời khiến DN không thể tiếp cận được nguồn vốn từ NH. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng khó khăn với chính sách không dự báo trước và họ trở nên rất thận trọng, nên có lúc không dám cho vay. Nếu có những dự báo thì chắc chắn chính sách tín dụng đưa ra sẽ hợp lý, hợp thời điểm hơn.

Chính sách tín dụng lúc thả, lúc siết

Qua trao đổi, nhiều DN sản xuất cũng cho rằng chính sách tiền tệ, tín dụng trong vòng một năm qua biến động quá nhanh, vượt xa dự báo của các chuyên gia kinh tế. Chính vì vậy, DN cũng không thể có những điều chỉnh hay thích ứng kịp thời và càng rơi vào khó khăn nhiều hơn khi sức tiêu thụ trên thị trường lao dốc. Nếu như những tháng đầu năm 2022, các NH ồ ạt cho vay, thì từ tháng 5.2022 trở đi, các NH hết room tín dụng và kéo dài nhiều tháng không được giải quyết. 

Đến quý 3/2022, chính sách tiền tệ với những lần điều chỉnh LS điều hành tăng sốc liên tục, đẩy mặt bằng LS trên thị trường nhảy vọt. Đồng thời room tín dụng bị siết khiến dòng vốn vào nền kinh tế bị nhỏ giọt, cộng đồng DN gặp sốc. Đến đầu năm 2023, room tín dụng đã được mở ra thì nhiều DN không có nhu cầu vay hoặc cũng không muốn vay vì LS lên cao, quá sức chi trả. Nhưng đồng thời cũng có những NH thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh và đang trả lời DN muốn vay vốn rằng đã "hết room".

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 9.5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, khó khăn của DN có rất nhiều vấn đề. Nhưng đầu tiên là dòng tiền, hiện nay điều hành tín dụng có vấn đề, "lúc thả ra nhanh quá, lúc siết lại nhanh quá nên các DN rất khó khăn". Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chia sẻ, khi tiếp xúc cử tri thì DN nói rất thẳng thắn là người ta đã dùng những đồng cuối cùng dự trữ của họ để trang trải cho 2 năm qua.

Theo nhận xét của một chuyên gia trong ngành NH, tín dụng 2 năm qua giật cục ai cũng thấy rõ, lúc nóng, lúc lạnh và có khi vừa nóng vừa lạnh. Mới đây, NHNN có những tín hiệu sẽ giảm LS điều hành thêm để tạo điều kiện cho các NH giảm LS. Điều này là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho nền kinh tế tăng trưởng nếu cung tiền không được tháo. Phải đẩy mạnh cung tiền hơn để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Cứ lo sợ lạm phát tăng mà không tăng cung tiền ra thì cả nền kinh tế cùng khó.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, thất vọng không kém gì DN khi nghe chuyện LS chỉ được giảm nhỏ giọt từ 10,5%/năm xuống 10,2%/năm nêu trên. Ông đặt câu hỏi: Tại sao chỉ mới hơn 4 tháng đầu năm mà một số NH đã trả lời DN là hết room tín dụng? Vậy các NH này đã cho vay với những DN nào? Liệu có tình trạng các NH chỉ dành nguồn vốn cho vay với các DN thân quen, DN "sân sau" của những cổ đông lớn hay không? Thanh tra NHNN hoàn toàn có thể biết được danh sách khách hàng đã vay. 

Đồng thời, có hay không tình trạng cho các DN thân quen được vay vốn dễ hơn và LS cũng thấp hơn các DN khác hay không? Như vậy những DN nhỏ, không thân quen với các NH lại phải đang gánh chịu LS cao để bù đắp cho phần LS ưu đãi của một số ít DN nào đó? Hơn nữa, nếu năm 2022 NHNN sử dụng room tín dụng để làm nút chặn bơm tiền ra nền kinh tế để chống lạm phát thì năm nay không có dấu hiệu lạm phát tăng cao; lạm phát thế giới cũng đã hạ nhiệt thì sử dụng room tín dụng là để nhằm mục tiêu gì? Nếu như để giúp hồi phục, tăng trưởng kinh tế thì NHNN phải phản ứng nhanh nhạy như đã từng làm trong năm 2022 là sử dụng room như một công cụ để điều tiết cung tiền ra thị trường, nếu hết room thì phải mở ra nhanh, tạo điều kiện cho dòng vốn đến tận tay DN. 

Song song đó, ông Chí cho rằng Bộ Tài chính cũng phải thúc đẩy xây dựng, khuyến khích thị trường nợ phát triển để cạnh tranh với kênh tín dụng NH. Nếu không thì câu chuyện luẩn quẩn về dòng vốn vẫn bị nghẽn sẽ có nguy cơ xảy ra tiếp tục. Bởi biến động của kinh tế thế giới luôn xảy ra và VN ngày càng hội nhập sâu rộng nên cũng bị tác động nhanh hơn.

"Các DN 10 năm kinh doanh tích lũy không đủ để bù đắp cho 1 năm khó khăn nếu chính sách thay đổi thất thường. Hơn nữa, khi khó khăn bủa vây thì DN chỉ mong được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Điều hành chính sách linh hoạt, tháo gỡ nhanh những khó khăn về vốn cho DN mới thể hiện được sự đồng hành với DN ở giai đoạn hiện nay".

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.