Lãi suất đi xuống, người dân gửi tiết kiệm giảm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/07/2023 11:49 GMT+7

Lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5 tiếp tục tăng nhưng đã chậm lại hơn so với những tháng trước bởi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm. Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng giảm chậm lại.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5 tăng thêm 15.000 tỉ đồng, lên 6,347 triệu tỉ đồng, tăng 8,21% so với cuối năm 2022, tương ứng 482.000 tỉ đồng. 

Đây là tháng có mức tăng trưởng tiền gửi thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và chưa bằng 1/10 so với lượng tiền gửi huy động được của tháng 1. Trong tháng 1, hệ thống tổ chức tín dụng cả nước đã huy động tăng 178.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022; tháng 2 tăng 136.000 tỉ đồng so với tháng 1; tháng 3 tăng 101.000 tỉ đồng so với tháng 2; cuối tháng 4, lượng tiền gửi tăng chỉ còn 1 nửa tháng 3, ở mức 52.000 tỉ đồng. 

Nguyên nhân của lượng tiền gửi dân cư liên tục giảm đến từ lãi suất tiết kiệm của các nhà băng đi xuống. Sau khi đạt mức cao nhất hồi tháng 1, lãi suất tiết kiệm liên tục đi xuống, hiện nay thấp hơn từ 1,5 - 4%/năm, dao động quanh mức 4 - 8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn.

Lãi suất đi xuống, người dân gửi tiết kiệm giảm  - Ảnh 1.

Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng giảm dần qua các tháng

NGỌC THẠCH

Đối với tiền gửi của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng đã huy động tăng 94.000 tỉ đồng trong tháng 5, lên 5,748 triệu tỉ đồng. Đây là tháng ghi nhận mức tăng lượng tiền gửi khá mạnh từ các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi tổ chức kinh tế giảm còn 3,45%, lượng tiền gửi ra khỏi hệ thống còn 205.000 tỉ đồng. Tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 5 tăng 2,05%, đạt số dư hơn 14,517 triệu tỉ đồng.

Người dân giảm gửi tiết kiệm vì lãi suất đi xuống

Tính đến cuối tháng 5, các ngân hàng thương mại cho vay ra nền kinh tế tăng thêm 29.000 tỉ đồng, số dư lên 12,314 triệu tỉ đồng, tăng 3,27% so với cuối năm 2022. Lượng vốn bơm ra thị trường trong 5 tháng đầu năm tăng thêm 390.000 tỉ đồng. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng cao đối với một số lĩnh vực như vận tải, viễn thông, xây dựng, thương mại, công nghiệp…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.