Lại 'nóng' chuyện tăng giá điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/02/2023 07:37 GMT+7

Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn điện lực VN (EVN) xây dựng phương án giá bán điện bình quân và sẽ "tính toán, cân nhắc kỹ tác động" khi điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Tránh điều hành "giật cục"

Hôm qua 3.2, làm việc với Bộ Công thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý cần sớm ban hành cơ chế bán điện trực tiếp. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Công thương phải "suy nghĩ thấu đáo" vấn đề này theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tránh điều hành "giật cục".

Đến nay, trong các báo cáo, đề xuất của Bộ Công thương và cả EVN chưa nêu tỷ lệ sẽ tăng giá điện lên bao nhiêu, song nếu chiếu theo Quyết định 24, giá bán điện bình quân tăng từ 3 - 5% so với giá hiện hành thì EVN được quyết; tăng từ 5 - 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận; trên 10% phải rà soát, xin ý kiến Thủ tướng. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vẫn tuân theo Quyết định 24 của Chính phủ. Và vì giá điện có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nên việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lại “nóng” chuyện tăng giá điện  - Ảnh 1.

Thủ tướng lưu ý cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp

NGỌC THẮNG

Đề cập việc tăng giá điện trong năm nay, đại diện Bộ Công thương cũng đã nhắc lại khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong một báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, EVN ước lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỉ đồng và tiếp tục đề xuất tăng giá điện. Nghĩa là nếu không tăng giá điện kịp thời, khoản lỗ lã của EVN không dừng lại con số 31.000 tỉ đồng như năm qua mà sẽ gấp 3 con số đó. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua được EVN chỉ ra do "thông số đầu vào tăng mạnh". Cụ thể giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí và giá dầu thế giới đều tăng. 

Năm 2022, riêng giá than tăng gấp 6 lần so với giá đầu năm 2021, khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập tăng tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân vẫn dừng ở mức 1.864 đồng/kWh. Với mức giá bán bình quân này, ước tính 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng. Ngoài đề xuất tăng giá điện, EVN cũng đề xuất Bộ Công thương điều chỉnh giá truyền tải điện tăng 3,24 đồng lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt từ tháng 5.2022 là 75,85 đồng/kWh. Năm 2022, Tổng công ty truyền tải điện lỗ gần 685 tỉ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá mà trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.

Đến nay, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát các giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện, tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN. Song song với việc "bật đèn xanh" cho tăng giá điện, Bộ Công thương cho biết đã yêu cầu EVN "khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí giá điện 2022", thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên bộ Công thương - Tài chính và nhiều cơ quan khác như VCCI, Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí và kế hoạch sản xuất điện năm 2023. 

Bên cạnh đó, EVN phải phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán mức tác động của giá điện tới đời sống và kinh tế vĩ mô. Nhiều chuyên gia cho rằng chi phí sản xuất tăng, tăng giá điện là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc ngành điện chưa có báo cáo quyết toán chi phí giá điện năm 2022, nhưng yêu cầu tăng giá điện khiến việc tăng giá khó chính xác. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói, việc tăng giá điện sẽ thuyết phục hơn nếu việc tăng giá đến từ những yếu tố hợp lý. Chẳng hạn, mức tăng được cộng thêm yếu tố lỗ tỷ giá là không công bằng.

Sớm xây dựng cơ chế bán điện trực tiếp

Tăng giá điện là vấn đề nhạy cảm, càng nhạy cảm hơn khi trong bối cảnh có nhiều dự báo khó khăn, thách thức cho nền kinh tế năm 2023. Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích: Trong cơ cấu giá điện của EVN đang mua, điện than và điện tái tạo đang mua với giá cao hơn giá bình quân. Cụ thể, trước đây 1 kg than giá chưa tới 2.000 đồng sản xuất được 2 kWh điện, nay than đã lên 4.000 đồng/kg, cũng sản xuất được 2 kWh điện, trong khi giá bình quân bán ra không thay đổi. 

Giá than nhập khẩu tăng mạnh, nhà nước cũng đã "ép" than trong nước bán rẻ hơn để làm điện, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể lâu dài trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng mạnh. EVN đang thua lỗ do giá than và khí quá cao, giá điện gió và mặt trời FIT cũ và mới cho các dự án chuyển tiếp cũng cao hơn giá bán bình quân. Thế nên, chỉ còn mỗi thủy điện phải gánh cho cả nền kinh tế... Bên cạnh đó, các chi phí hạ tầng đầu tư ngành điện như sắt, thép, xi măng… đều tăng mạnh trong 2 năm qua. Trong khi đó, xu hướng phát triển xanh và cam kết của chúng ta với thế giới về giảm khí phát thải phải phát triển năng lượng tái tạo.

Theo chuyên gia Đào Nhật Đình: Quan trọng nhất là nếu không tăng giá điện lúc này, thậm chí tăng lúc này cũng đã muộn, thì các dự án điện gió ngoài khơi mà chúng ta kêu gọi đầu tư đến sang năm có nguy cơ “chết”. Trong tương lai, rất khó kêu gọi vốn vào các dự án năng lượng tái tạo. Với các chi phí đầu vào như vậy, giá điện bình quân có thể tăng trên 10%. Thực tế, nền kinh tế cũng rất khó nếu… chưa tăng giá điện.

Đồng quan điểm, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói việc tăng giá điện không sớm thì muộn do áp lực chi phí đầu vào sản xuất điện tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc tăng đúng giá thị trường cũng là cách thúc đẩy đầu tư tư nhân vào ngành điện, giảm tối đa yếu tố độc quyền mua bán điện của EVN. Chính vì chưa có thị trường mua bán điện đúng nghĩa nên đôi khi khó thuyết phục người tiêu dùng trong tăng giá điện. "Thủ tướng đã nói rõ quan điểm cần ban hành cơ chế bán điện trực tiếp, đó là vấn đề cấp bách phải làm sớm. Điện luôn đi trước một bước mới thúc đẩy được nền kinh tế phát triển", ông Tùng nhấn mạnh và gợi ý: "Việc cho thí điểm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất đến tiêu dùng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Trước mắt, cho thí điểm sớm sẽ giúp giảm bớt các khâu trung gian, giảm chi phí. Nhà nước đầu tư làm hạ tầng truyền tải điện, cho các doanh nghiệp sản xuất điện thuê tải điện bán cho người tiêu dùng, giá được thỏa thuận giữa hai bên, không cần sự xuất hiện của EVN trong hợp đồng mua bán này".

Cần có thị trường mua bán điện là tốt và cần thiết bởi nó bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ông Đào Nhật Đình lại lưu ý, việc mua bán điện trực tiếp đôi khi chưa phải là "lựa chọn tối ưu" trong hoàn cảnh VN do phí truyền tải điện của VN so với nhiều nước còn rất thấp. Ông dẫn chứng, Trung Quốc có thị trường mua bán điện, lượng điện bán trực tiếp chiếm 30 - 40% tổng lượng điện sản xuất của cả nước, nhưng giá mua điện trực tiếp tại Trung Quốc lại đang cao hơn giá mua trên lưới và có mua trực tiếp đi nữa vẫn phải truyền vào một lưới điện quốc gia. "VN xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp cũng cần tránh cách làm của các nước đẩy giá điện mua trực tiếp lại cao hơn mua gián tiếp", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.