Là 'đàn ông, thiếu nữ' ở tuổi lên 2, lên 3

07/04/2017 21:02 GMT+7

Có bé chỉ mới 18 tháng đã bước vào… tuổi dậy thì. Các trường hợp trẻ dậy thì sớm hiện không còn hiếm mà càng có xu hướng gia tăng và độ tuổi ngày càng giảm.

Trẻ mới 18 tháng đã... dậy thì
Thấy con gái mới 18 tháng xuất huyết âm đạo, chị T.M.C. hoang mang. Chị đã đưa con đi khám nhiều nơi, lo sợ con bị xâm hại, nhưng không tìm ra nguyên nhân. Sau đó một tháng, bé lại bị xuất huyết âm đạo. Nhận thấy thấy con xuất huyết theo chu kì như chu kì kinh nguyệt, chị đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bé được bác sĩ kết luận bị dậy thì sớm. Bé đã được điều trị ổn và vẫn tiếp tục được theo dõi.
Trong khi đó, mặc dù mới 3 tuổi nhưng một bé trai đã có chất giọng trầm như… đàn ông trung niên. Bên cạnh đó, thấy cơ thể con còn có những đặc điểm của nam giới tuổi trưởng thành, gia đình đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Bác sĩ phát hiện, bé bị dậy thì sớm. Bé cũng đã được điều trị và theo dõi một thời gian dài. Hiện sự phát triển cơ thể của bé đã đúng tuổi.

tin liên quan

Bi hài chuyện giáo dục giới tính: 'Con hỏi gì bậy bạ quá!'
Trong tháng 8 vừa qua, trên nhiều trang mạng xuất hiện những hình ảnh, câu chuyện về một bé trai khoảng 5 tuổi không chịu ngủ trưa mà cứ muốn làm 'chuyện người lớn' với một bé gái cùng lớp mẫu giáo, khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Số bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và được chẩn đoán dậy thì sớm có xu hướng gia tăng. Vào năm 2010, bệnh viện bắt đầu tiếp nhận điều trị trẻ dậy thì sớm, lúc đó chỉ có 5-6 trường hợp điều trị (cả năm). Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho 120 trẻ dậy thì sớm.
Theo bác sĩ Loan, phần lớn trẻ dậy thì sớm được ba mẹ phát hiện, đưa đi khám, điều trị ở độ tuổi 4-5 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp chỉ mới… 18 tháng tuổi. Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất bị dậy thì sớm mà Bệnh viện Nhi đồng 1 ghi nhận.
Hầu hết phụ huynh đưa trẻ đến khám dậy thì sớm do thấy con gái có các biểu hiệu bên ngoài là ngực phát triển to hơn bình thường, xuất hiện lông mu, có kinh; đối với trẻ em trai thì dương vật phát triển to hơn bình thường, có mụn và vỡ giọng.
“Những năm gần đây, tuổi dậy thì của trẻ Việt Nam có xu hướng dần thấp hơn. Trước đây, bình thường nữ dậy thì khoảng 13 tuổi, nam khoảng 16 tuổi. Hiện nay, chỉ mới 9-12 tuổi, trẻ đã bước vào tuổi dậy thì. Đó là tuổi dậy thì thông thường. Đối với trẻ nữ dưới 8 tuổi và nam dưới 9 tuổi đã dậy thì là bệnh lý dậy thì sớm”, bác sĩ Loan thông tin.
Dậy thì sớm, trẻ khó… “phòng thân”
Trẻ dậy thì sớm hầu như bản thân không thể xoay xở được với những thay đổi “lớn hơn tuổi” của cơ thể. Các bé quá nhỏ để có các kỹ năng, tâm lý trước sự phát triển vượt tuổi của cơ thể mình. Trẻ gái chỉ 5-6 tuổi, thậm chí nhỏ hơn (18 tháng) không thể dùng băng vệ sinh ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Hoặc với bé trai mới 3 tuổi “vỡ tiếng” nói giọng ồm ồm, bé rất rụt rè khi giao tiếp.
Theo các bác sĩ, cơ thể trẻ khác các bạn đồng trang lứa cũng làm trẻ tự ti, không hòa nhập với bạn bè, cuộc sống.
Bên cạnh đó, bác sĩ Loan cho biết ở trẻ dậy thì sớm, xương phát triển nhanh khi chưa đủ tuổi, lúc này, bé sẽ cao hơn các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, sau đó bé sẽ bị lùn vì xương phát triển nhanh trong giai đoạn ngắn, chưa chín muồi của tuổi phát triển xương rồi đầu xương “đóng lại” sớm, trẻ sẽ không thể cao được nữa.
Trẻ dậy thì sớm hầu như không thể xoay xở được với những thay đổi “lớn hơn tuổi” của cơ thể ShutterStock
Việc cơ thể trẻ phát triển có các đặc điểm thiếu nữ, đàn ông sớm hơn so với tuổi, tâm lý của trẻ cũng dẫn đến nhiều nguy cơ xã hội như việc bị xâm hại và trẻ không có kiến thức, kỹ năng bảo vệ mình.
“Để trẻ dậy thì sớm càng kéo dài thì càng ảnh hưởng mặt tâm lý, sự phát triển, cuộc sống của trẻ. Phụ huynh cần phát hiện và đưa trẻ đi khám, điều trị sớm nếu bé có biểu hiện dậy thì sớm”, bác sĩ Loan khyến cáo.
Để tránh cho trẻ bị dậy thì sớm, bác sĩ khuyên phụ huynh nên: Chú ý giữ cho con tình trạng dinh dưỡng ở mức chuẩn, chế độ dinh dưỡng vượt quá nhu cầu là yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm. Việc tiêu thụ thực phẩm có hoóc môn tăng trưởng cũng khiến trẻ dậy thì sớm.

tin liên quan

Bé trai 1 tuổi đã dậy thì giống đàn ông 25 tuổi

Dù mới hơn 1 tuổi nhưng bé trai Vaibhav ở vùng thủ đô Delhi, Ấn Độ đã phát triển hoàn chỉnh như người trưởng thành. Mức hoóc môn sinh dục nam testosterone trong cơ thể cậu bé đặc biệt cao, tương đương với người 25 tuổi.

Không nên dùng các hóa mỹ phẩm (dầu gội đầu, sữa tắm, dưỡng da,…) của người lớn cho trẻ vì trong các sản phẩm này có estrogen, làm tăng nội tiết tố sinh dục ở trẻ; chỉ nên dùng các sản phẩm của trẻ em cho con.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với hình ảnh, tình huống, tất cả các thông tin gợi ý tới quan hệ giới tính, có thể là “cửa mở” liên quan đến dậy thì sớm.
Y học hiện nay chỉ mới xác định được 10% nguyên nhân bệnh dậy thì sớm ở trẻ nữ và 40% nguyên nhân ở trẻ nam. Trong đó, dậy thì sớm là do gia tăng hoóc môn sinh dục ở não hoặc do một số cơ quan ở ngoại vi (u buồng trứng, u tinh hoàn...) tăng sản xuất hoóc môn nội tiết.
Trẻ dậy thì sớm nếu do có khối u thì tùy theo tính chất của khối u, bác sĩ có thể phẫu thuật lấy khối u hoặc xạ trị. Khi khối u được loại bỏ, các triệu chứng dậy thì ở trẻ cũng sẽ chấm dứt.
Trường hợp dậy thì không rõ nguyên nhân, trẻ phải được chích thuốc định kỳ hằng tháng làm giảm nội tiết tố, ức chế sự phát triển dậy thì của trẻ. Theo bác sĩ Loan, khoảng 90% trẻ được điều trị thuốc sẽ biến mất những triệu chứng dậy thì sớm. Trẻ được chích thuốc cho đến tuổi dậy thì thực sự mới ngưng điều trị. Khi đó, sự phát triển của cơ thể trẻ đã đúng tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.