Lá bàng khô bán... online giá 1.000 đồng/lá, mặt hàng gây 'sốt' mạng

Lê Nam
Lê Nam
23/05/2020 11:59 GMT+7

Vài ngày qua, lá bàng khô được rao báo rầm rộ trên các trang thương mại điện tử với giá từ 500 - 1.000 đồng/lá. Điều này khiến nhiều người thắc mắc vì sao lá bàng khô lại "hot" như vậy?

Lá bàng khô trở thành mặt hàng “hot” thời gian qua khi xuất hiện trên một số trang mua bán thương mại điện tử lớn. Những chiếc lá bàng phổ biến tại Việt Nam thường được coi là rác và được đốt đi không hết thì nay được giao bán với giá từ 500 - 1.000 đồng/lá. Trên trang Tiki, 100g lá bàng khô được bán với giá 30.000 đồng, theo quảng cáo đã tiết kiệm 70% khi giá thị trường lên tới 100.000 đồng. Các cửa hàng trên Shoppe, Lazada, Sendo… cũng rộn ràng mặt hàng lá bàng khô, nước cốt lá bàng khô.

Lá bàng khô "phủ sóng" trên các trang thương mại điện tử

Ảnh chụp màn hình

Mua lá bàng khô để làm gì?

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Phát (chủ một trại cá nhiều năm tại Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ lá bàng có công dụng như chất an thần, giúp cá không bị bệnh. Tuy nhiên, muốn dùng lá bàng phải sử dụng loại lá thật khô mới có tác dụng. Nếu lá còn tươi mà bỏ vào trong nước sẽ bị thối nước.
“Lá bàng có tác dụng kháng khuẩn, trị được một số loại nấm trên cơ thể cá. Nước được chiết xuất từ lá bàng rất tốt với các vết thương ngoài da, nấm, u nhọt... Đó là lý do vì sao rất nhiều người nuôi cá sử dụng lá bàng như "thần dược" rẻ tiền cho các hồ cá trong nhà”, anh Phát nói.

Theo anh, có thể sử dụng nguyên lá bàng khô cho vào hồ cá hoặc ngâm cho ra nước cốt lá bàng rồi đổ nước đó vào hồ cá. Một cách khác là chưng cất lấy nước cốt rồi sử dụng dần.

Lá bàng khô rao bán nhiều trên các trang mua bán online

Ảnh chụp màn hình

Anh Ryan Nguyen (người gốc Việt sống tại Mỹ) chia sẻ: “Ở Việt Nam thì dễ kiếm nhưng nước ngoài rất ít, họ bắt buộc phải mua trên mạng hoặc nhờ người ở Việt Nam gửi qua”. Anh thích nuôi cá cảnh. Mỗi lần về Việt Nam, anh đều tranh thủ gom một bọc lá bàng khô lớn để mang qua Mỹ dùng dần.

Khi đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lá bàng rụng đầy sân mà mọi người vẫn phải đi mua? Ông chủ trại cá ở Q.Tân Bình lý giải: “Hiện nay người chơi cá ngày càng nhiều nên cần số lượng lá bàng nhiều. Đôi khi họ không biết kiếm lá bàng ở đâu, tìm hoài không có. Bây giờ rừng cây cũng không có, ra chợ cũng không ai bán thì bắt buộc người ta phải mua ở trên mạng. Như vậy, có cung sẽ có cầu".

"Nhưng người ta quên rằng lá bàng cứ tới trường học là có, thành ra những người để ý chút xíu người ta sẽ đến trường học xin”, anh Phát khẳng định. 

Trên YouTube, rất nhiều người chơi cá cảnh tại Việt Nam thực hiện các video hướng dẫn cách chọn lá bàng hoặc nấu nước lá bàng để nuôi cá

Ảnh chụp màn hình

Anh Phát cho rằng giá trên mạng không hợp lý: “Bây giờ lá bàng nhà mình cũng rất nhiều nhưng mình cũng không bán giá đó, tại vì lá bàng rất dễ kiếm. Mình có thể bán 1.000 đồng 10 lá hoặc 10.000 đồng được 100 lá... 1.000 đồng/lá là quá cao vì lá bàng xài chưa đến 1 tuần lễ là vứt rồi. Bình thường mình xài 3 ngày là bỏ, lá bàng ra nước cốt là bỏ ngay”.

Kinh nghiệm dùng lá bàng khô trong nuôi cá

Theo anh Ryan Nguyễn, việc xài lá bàng to hay nhỏ không quan trọng nhưng bắt buộc phải là lá khô, tức là loại lá khi bóp là vỡ vụn. Nên lấy loại lá đã rụng, có thể phơi khô tiếp tục. Không nên lấy xá xanh về phơi khô sẽ mất thời gian và không tốt. Không lượm những lá bầm dập.

Lá bàng khô tự nhiên, sau khi được làm sạch sẽ được người nuôi cá lấy nước cốt để sử dụng

Ảnh: NVCC

Khi dùng phải rửa thật sạch. Lá bàng khô rửa xong thì đem phơi khô một lần nữa và cho vào bọc dùng dần.
Cách sử dụng lá bàng đơn giản nhưng nhiều người mắc sai lầm. Nhiều người để nguyên lá bàng vào hồ cá mà không bao giờ loại bỏ đốt sống giữa của lá đi. Nếu thả nguyên lá vào thì chất nhựa trong sống lá sẽ tạo ra lớp váng làm nước bị ô nhiễm, lâu ngày sẽ ảnh hướng đến cá. Do đó, khi dùng phải cắt bỏ phần sống lá, chỉ lấy hai bên lá bàng.

Lá bàng khô rụng nhiều trong sân trường học

Ảnh: NVCC

Tùy diện tích hồ mà dùng số lượng lá bàng phù hợp. Nếu như nuôi cá betta hoặc cá bảy màu trong một bình khoảng 5 lít thì dùng một miếng nhỏ là đủ.
Nước lá bàng cũng không nên pha đặc quá. Pha vừa phải, nước lá bàng sẽ giúp cá lên màu đẹp, cơ thể săn chắc. Ngược lại, nếu dùng nước đậm đặc sẽ làm cháy đuôi, cháy vây thậm chí thối vây cá. Lá bàng là dược liệu tốt nhưng cũng gây hại cho cá nếu sử dụng không đúng cách.
Công dụng chữa bệnh của lá bàng đã được cố GS.TS Đỗ Tất Lợi (một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng) tổng hợp trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam), xuất bản năm 1983. Trong đó, một số công dụng chính của lá bàng là chữa mụn nhọt và các vết thương mưng mủ, viêm loét, chữa nhiệt miệng, chữa sâu răng, viêm nướu, vết thương ngứa, lên da non...
Loại cây này quen thuộc với hầu hết người dân ở nhiều nơi và được sử dụng để trị các bệnh lở mồm long móng cho gia súc hay các bệnh về tay chân miệng cho trẻ con. Trong thú chơi cá cảnh, nhiều người dùng nước cốt lá bàng khô để hòa vào nước hồ cá như một “thần dược”, giúp cá thư giãn, khỏe mạnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.