Kyoichi Sawada ở làng Lộc Thượng

02/05/2015 00:00 GMT+7

Nhiều người ở làng Lộc Thượng (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) vẫn thường kể cho nhau nghe những kỷ niệm về Kyoichi Sawada, tác giả bức ảnh Escape for safe (Lánh nạn) đã đoạt giải Pulitzer năm 1966.

Nhiều người ở làng Lộc Thượng (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) vẫn thường kể cho nhau nghe những kỷ niệm về Kyoichi Sawada, tác giả bức ảnh Escape for safe (Lánh nạn) đã đoạt giải Pulitzer năm 1966.

 
Bức ảnh Lánh nạn của Kyoichi Sawada
Bức ảnh này được Kyoichi Sawada (người Nhật Bản) chụp tại làng Lộc Thượng vào năm 1965, khi ông đang là phóng viên chiến trường của Hãng tin UPI (United Press International).
Hiện 3 nhân vật trong bức ảnh còn sống là ông Nguyễn Văn Anh (64 tuổi, ở làng Lộc Thượng), em gái ông Anh là Nguyễn Thị Kim Liên (58 tuổi, ở thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp) và bà Nguyễn Thị Huệ (52 tuổi, ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn). Hai người phụ nữ trong bức ảnh đã mất là bà Trần Thị Ba (mẹ ông Anh) và bà Lê Thị Đào (mẹ bà Huệ).
Ký ức đau thương
Gia đình tôi xem cuốn album ảnh của Sawada là một báu vật. Trong đó có rất nhiều hình ảnh sinh động về cuộc chiến tranh khốc liệt ở VN từ năm 1965 - 1970, cụ thể là ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam bộ mà ông Sawada từng đến.
Kyoichi Sawada là nhà báo rất đặc biệt. Bởi sau khi tác nghiệp, ông Sawada không lãng quên mà vẫn luôn quan tâm đến số phận các nhân vật trong tác phẩm của mình
Ông Nguyễn Văn Anh
Năm 1965, làng Lộc Thượng thường xuyên hứng chịu những trận càn quét của lính Mỹ, nhà cửa điêu tàn, ruộng đồng đầy dấu vết bom đạn. Cha của ông Anh cũng như nhiều trai tráng ở làng Lộc Thượng phải lánh nạn ở nơi khác để khỏi bị bắt đi lính. Trong làng chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. “Hồi đó, cứ nghe tiếng súng là biết giặc đi càn, bom đạn sắp đổ xuống, cả làng kéo nhau đi lánh nạn. Sợ nhất là mỗi khi bên giặc có người chết hay bị thương, chúng kéo vào làng rồi dồn dân lại một nơi, gặp ai trái ý là giết ngay”, ông Anh hồi tưởng.
Khoảng trưa 6.9.1965, làng Lộc Thượng lại vang lên tiếng súng, tiếng máy bay gầm thét như xé nát bầu trời. Cụ Ba ẵm con gái tên Liên và kéo ông Anh băng qua kênh Ông Giáo Thừa, qua một cánh đồng, rồi tiếp tục vượt dòng sông Trong để đến gò Ông Chấm tránh bom. Lúc đó, ông Anh mới 14 tuổi, còn bà Liên 8 tuổi được mẹ bế trên tay. Ra đến dòng sông Trong, 3 mẹ con ông Anh lại gặp người hàng xóm là Lê Thị Đào bế con nhỏ Nguyễn Thị Huệ mới 2 tuổi. 5 người sắp lội vào đến gò Ông Chấm thì có nhóm phóng viên đưa máy ảnh lên chụp.
“Lúc đó, chúng tôi có biết là phóng viên chụp ảnh đâu, tưởng họ đưa súng ra bắn nên ai cũng bàng hoàng. Mẹ tôi ôm chân mấy ông đó la khóc, van xin quá chừng. Tất cả người trong làng chúng tôi bị dồn vào một khu vườn trên gò Ông Chấm. Có ông người Nhật và người thông dịch đến động viên, hỏi thăm tên tuổi, hoàn cảnh gia đình của nhiều người. Mãi sau này tôi mới biết đó là ông phóng viên Kyoichi Sawada, người chụp ảnh chúng tôi ngoài sông”, ông Anh kể.
Nhà báo đặc biệt
Phóng viên Kyoichi Sawada ở Sài Gòn vào năm 1965
(ảnh trong tập album do bà Sawada tặng cho gia đình ông Anh)
Gần một năm sau khi chụp bức ảnh Lánh nạn, Kyoichi Sawada trở lại thăm làng Lộc Thượng và thông báo bức ảnh vừa nhận được giải thưởng Pulitzer. Sawada tặng quà cùng với bức ảnh Lánh nạn cho gia đình ông Anh và gia đình bà Đào rồi chụp ảnh lưu niệm trước khi ra về. Năm 1968, chiến tranh diễn ra ở làng Lộc Thượng càng khốc liệt, gia đình ông Anh chuyển xuống TX.Quy Nhơn (nay là TP.Quy Nhơn) sinh sống. Năm sau, Kyoichi Sawada lại tìm ra nơi ở của gia đình ông Anh tại Quy Nhơn để thăm khiến mọi người trong nhà xúc động. Chiến tranh kết khúc, gia đình ông Anh trở về làng Lộc Thượng. Dù luôn trông ngóng nhưng gia đình ông Anh không còn nhận được tin tức nào về Sawada.
Năm 1984, có một nữ phóng viên Nhật tìm đến làng Lộc Thượng để thăm gia đình ông Anh rồi tự giới thiệu là người thân của nhà báo Sawada. Khi nghe cô gái Nhật báo tin
Kyoichi Sawada bị thiệt mạng trong lúc đang tác nghiệp ở chiến trường Campuchia vào năm 1970, gia đình ông Anh và nhiều người ở làng Lộc Thượng sụt sùi khóc.
Năm 1989, người vợ góa của Kyoichi Sawada lại đến thăm làng Lộc Thượng. Được tận mắt chứng kiến nơi chồng mình chụp bức ảnh Lánh nạn, được nghe người dân làng Lộc Thượng kể về Kyoichi Sawada, bà cũng không cầm được nước mắt. Lần đó, gia đình ông Anh được tặng một tập album về những bức ảnh mà Sawada chụp ở Nhật Bản, VN, Campuchia từ năm 1954 - 1970.
“Gia đình tôi xem cuốn album ảnh của Sawada là một báu vật. Trong đó có rất nhiều hình ảnh sinh động về cuộc chiến tranh khốc liệt ở VN từ năm 1965 - 1970, cụ thể là ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam bộ mà ông Sawada từng đến. Kyoichi Sawada là nhà báo rất đặc biệt. Bởi sau khi tác nghiệp, ông Sawada không lãng quên mà vẫn luôn quan tâm đến số phận các nhân vật trong tác phẩm của mình”, ông Anh tâm sự.
Kyoichi Sawada (sinh ngày 22.2.1936) bắt đầu làm phóng viên ảnh cho chi nhánh Tokyo của Hãng tin UPI vào năm 1961. Khi chiến tranh VN leo thang, Sawada yêu cầu được đến Đông Dương để tác nghiệp nhưng UPI từ chối. Tháng 2.1965, ông sử dụng kỳ nghỉ của mình để đến VN chụp ảnh về chiến tranh để gửi cho UPI. Chính những hình ảnh này đã thuyết phục lãnh đạo UPI đồng ý cho Sawada ở lại chi nhánh của hãng tin tại Sài Gòn. Với bức ảnh Lánh nạn, Sawada đã đoạt hai giải thưởng vào năm 1966, đó là: World Press Photo và Pulitzer. Ngày 28.10.1970, Sawada đã thiệt mạng cùng với Frank Frosch, Trưởng văn phòng UPI, khi trên đường đến đèo Kirrirom ở Campuchia. Sau khi ông mất, Overseas Press Club (câu lạc bộ báo chí nước ngoài) đã trao tặng ông huy chương vàng Robert Capa.
Ông Anh và bức ảnh Lánh nạn được Kyoichi Sawada tặng
năm 1966 - Ảnh: Hoàng Trọng
Ông Nguyễn Văn Thanh (84 tuổi, ở làng Lộc Thượng) kể: “Sáng hôm đó, nghe tiếng súng, biết là giặc đi càn nên tôi và vợ là Lê Thị Đào ẵm con gái Nguyễn Thị Huệ ra hầm trốn. Một toán lính Mỹ phát hiện căn hầm liền dùng tay ra dấu cho chúng tôi bước lên. Bọn lính hỏi, thông qua người phiên dịch là “làm sao để qua bên kia”, tức là gò Ông Chấm ấy. Tôi trả lời là “lội qua”. Thế là bọn chúng bắt chúng tôi lội trước rồi mới lội theo sau. Lúc đó, có nhiều người cũng bị bắt lội qua sông Trong nhưng ông Sawada chụp hình dính có 5 người. Chúng tôi bị tập trung tại một khu vườn ở gò Ông Chấm, ai cũng sợ bị giết. Ông Sawada đi hỏi thăm chúng tôi rồi dỗ dành mấy đứa trẻ con đang khóc. Nhìn gương mặt thì biết ông ấy là người nhân hậu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.